Những ngày này, các cửa hàng thời trang CATSA đang bán những sản phẩm cuối cùng trước khi thương hiệu này chính thức đóng cửa vào tháng 8 tới đây.
CATSA bất ngờ đóng cửa hàng loạt cửa hàng
Trên trang fanpage của CATSA, các dòng thông báo và video tạm biệt của thương hiệu thời trang thu hút hàng ngàn lượt xem, hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận bày tỏ sự tiếc nuối với thương hiệu quần áo quen thuộc với giới trẻ.
Nhiều người tiêu dùng cho hay họ đã “sốc” khi thương thiệu thời trang giá rẻ “gắn bó với thanh xuân” bỗng dưng bị khai tử.
“Chồng mình mỗi lần về Việt Nam đều bảo mình chở qua CATSA để mua đồ, mới chia sẻ cho chồng coi, chồng đang buồn nhiều chút ở bển”, người dùng tên Vân Mai Anh bình luận.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại cửa hàng CATSA trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận) tối 24-7, nhiều khách hàng đã đến vừa “săn sale”, vừa tranh thủ mua những bộ quần áo cuối cùng của thương hiệu trước khi thương hiệu không còn hoạt động.
Anh Trần Hoài Nam (32 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức) cho hay nhiều năm qua anh đều mua quần áo của thương hiệu này bởi giá mềm, đẹp, kiểu dáng thời trang phong phú.
“Giờ nghe tin thương hiệu đóng cửa chưa biết lý do thế nào, kinh doanh khó khăn hay doanh nghiệp có con đường riêng nhưng mình cũng ngậm ngùi nên tranh thủ ra mua một số bộ đồ cuối cùng làm kỷ niệm”, anh Nam nói.
Từ chối bán thương hiệu, không muốn tiếp tục làm “thời trang nhanh”
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chị Nguyễn Thùy Linh Cát – CEO CATSA cho hay quyết định đóng cửa CATSA là một trong những quyết định khó khăn nhất cuộc đời chị bởi đây không chỉ là một thương hiệu thời trang mà là đứa con tinh thần chị đã dành cả thanh xuân để gây dựng.
Nhớ lại khoảng thời gian năm 2021, chị Cát tâm sự đó là khoảng thời gian khó khăn nhất đời chị khi bị mắc kẹt 4 tháng ở Phú Quốc do COVID-19, mọi công việc bị đóng băng, hoãn vô thời hạn.
Song chị Cát cho hay chính khoảng thời gian ấy lại là khoảng thời gian chị cảm thấy hạnh phúc nhất.
“Mình sống chậm lại, tối giản hơn khi chỉ mang theo 7 bộ đồ, tận hưởng thiên nhiên, chăm sóc con cái nhiều hơn”, chị Cát chia sẻ.
CEO CATSA nói: “Ngành thời trang nhanh không chỉ “nhanh” trong vòng đời của sản phẩm mà còn cuốn tất cả những người trong ngành phải sống “chạy đua” với thời gian. Mình nhận ra bản thân chưa bao giờ sống ở hiện tại. Mùa xuân vừa tới tới đã phải suy nghĩ về bộ sưu tập cho mùa thu đông”.
Làm thời trang nhanh tức buộc mình và đội ngũ phải liên tục cho ra mắt những chiến dịch lôi kéo khách hàng. Dần dần, mình không còn cảm thấy hạnh phúc với công việc nữa”.
Theo chị Cát, bản thân chị cũng phải đấu tranh rất lâu trước khi đưa ra quyết định đóng cửa. Chị kể thậm chí có người muốn mua lại thương hiệu và sản phẩm tồn kho, điều này sẽ mang lại khoản tài chính lớn nhưng chị từ chối bởi không muốn tiếp tục xả rác thải thời trang nhanh ra môi trường.
“Mình đã dành tới một năm rưỡi để thương lượng và đưa ra các phương án thoả đáng cho các đối tác, trò chuyện cùng đội ngũ nhân sự và thực hiện các hoạt động thiện nguyện, gửi gắm những sản phẩm cuối cùng của CATSA đến tay những hoàn cảnh khó khăn. Đây là cách trọn vẹn và tròn nghĩa để khép lại hành trình 13 năm CATSA”, CEO CATSA nói.
Chia sẻ về hành trình sắp tới, chị Cát cho rằng bản thân sẽ không ngừng kinh doanh mà sẽ phát triển thương hiệu thời trang mới chú trọng đến việc giảm thiểu tiêu thụ và rác thải thời trang.
“Tôi quan niệm sống xanh quan trọng nhất là giảm rác thải. Do đó, với thương hiệu mới, tôi sẽ không cố gắng giảm giá để lôi kéo khách hàng mua sắm nhiều hơn, chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm và khuyến khích khách hàng mua đúng nhu cầu”, chị Cát bộc bạch.