Trưa 8-10 (giờ Việt Nam), sau chuyến bay hơn 11 tiếng từ Paris (Pháp), chuyên cơ chở Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hạ cánh tại sân bay Nội Bài ở Hà Nội, khép lại chuyến công du ba nước Mông Cổ, Ireland và Pháp hết sức thành công.
Nhiều biệt lệ khi đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn – một thành viên của đoàn chính thức – cho biết trong thời gian từ ngày 30-9 đến 7-10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn có gần 80 hoạt động phong phú, đa dạng trên cả bình diện song phương và đa phương.
Cũng theo ông Bùi Thanh Sơn, chuyến công tác lần này có nhiều lần “đầu tiên” đặc biệt. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Mông Cổ sau 16 năm, tới Ireland sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây cũng là chuyến thăm của một nguyên thủ Việt Nam tới Pháp sau 22 năm và cũng là lần đầu tiên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ta tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ.
Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội các nước đã dành cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp “trọng thị, chân thành, nồng hậu và chu đáo với nhiều biệt lệ”.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định điều đó cho thấy sự coi trọng cao và đặc biệt của các nước đối với vị thế, uy tín của Việt Nam, cũng như thể hiện sự tin cậy chính trị sâu sắc giữa Việt Nam với các nước và mong muốn cùng thúc đẩy quan hệ song phương.
“Đáng chú ý, trong bối cảnh Pháp đang tổ chức Hội nghị cấp cao Pháp ngữ với 100 đoàn nguyên thủ, lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế tham dự, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn dành cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sự quan tâm đặc biệt với các nghi thức lễ tân cao hơn quy định thông thường”, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nói thêm với báo chí sau chuyến công tác.
Hoạt động đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Mông Cổ, Ireland và Pháp – Ảnh: NGUYỄN HỒNG, TTXVN
Những dấu ấn lịch sử
Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã tạo nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng trong quan hệ với ba nước, với ba tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Mông Cổ, Đối tác chiến lược lĩnh vực giáo dục đại học Việt Nam – Ireland và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Pháp.
Đáng chú ý, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thông báo mở Đại sứ quán Việt Nam tại Ireland sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ song phương, đáp ứng mong mỏi của cộng đồng người Việt Nam tại Ireland.
Điểm nhấn quan trọng là việc Việt Nam và Pháp nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. “Đây sẽ là cơ sở và nền tảng vững chắc để củng cố tin cậy chính trị giữa hai nước, đưa quan hệ Việt Nam – Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, vì lợi ích của nhân dân hai nước và hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới”, ông Bùi Thanh Sơn khẳng định.
Gần 20 văn kiện đã được ký kết tại ba nước người đứng đầu Đảng và Nhà nước đến thăm.
Trong đó có bảy văn kiện hợp tác với Mông Cổ trong các lĩnh vực an ninh, tư pháp, giao thông vận tải, giáo dục và hợp tác địa phương; ba văn kiện hợp tác với Ireland về giáo dục đại học, chuyển đổi hệ thống lương thực, kinh tế, thương mại và năng lượng.
Với Pháp, hai bên cũng đã ký gần 10 văn kiện hợp tác giữa chính phủ, bộ, ngành, địa phương hai nước, mở ra những cơ hội hợp tác hai nước trong nhiều lĩnh vực mới.
Sự thúc đẩy hợp tác toàn diện với các nước trên nhiều lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh sẽ góp phần làm sâu sắc hơn các nền tảng hợp tác sẵn có, khai thác thêm nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng, mở ra những cơ hội mới cho hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong nhiều lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu và các đối tác có thế mạnh.
Các hoạt động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong chuyến thăm ba nước – Ảnh: NGUYỄN HỒNG, TTXVN
Về phương hướng trong thời gian tới, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết Việt Nam và các nước sẽ thúc đẩy triển khai, cụ thể hóa những kết quả đạt được.
Trong đó với Mông Cổ, cần triển khai các biện pháp cụ thể để hiện thực hóa Tuyên bố chung quan hệ Đối tác toàn diện, thúc đẩy trao đổi thương mại, tăng cường trao đổi chính sách, giải pháp phát triển ngành nông nghiệp hai bên.
Hai nước sẽ phối hợp tháo gỡ khó khăn trong vận tải logistics; thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ cao, công nghệ số, đổi mới sáng tạo và thông tin truyền thông; nghiên cứu khả năng cung ứng và tiếp nhận lao động theo ngành nghề, lĩnh vực mà thị trường lao động hai bên có nhu cầu.
Với Ireland, các cơ quan liên quan của hai nước sẽ trao đổi, thúc đẩy hợp tác nhằm thực hiện Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác Việt Nam – Ireland, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giáo dục đại học, nông nghiệp và năng lượng, công nghệ cao, chuyển đổi số…
Với Pháp, các bộ, ngành, địa phương liên quan cần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực chính trị, hợp tác quốc phòng và an ninh, trao đổi thương mại và đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, tự cường và thúc đẩy giao lưu nhân dân nhằm đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đi vào thực tiễn.
Tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 ở Pháp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có bài phát biểu quan trọng. Ông cũng cùng các nhà lãnh đạo các nước Pháp ngữ thông qua “Tuyên bố Villers-Cotterêts” với cam kết mạnh mẽ tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương vì hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và phát triển bền vững.
Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chúng ta cũng đã tận dụng tối đa dịp này để thúc đẩy quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế, qua đó giới thiệu những tiềm năng to lớn về hợp tác thương mại và đầu tư với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Trong thời gian dự hội nghị, nhiều nhà lãnh đạo đứng đầu Nhà nước và Chính phủ của các nước Pháp ngữ, tổ chức quốc tế đã chủ động gặp gỡ, tiếp xúc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước để bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam, mong ta chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, xã hội.
Với Cộng đồng Pháp ngữ, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ trụ cột kinh tế, nhất là kinh tế số trong không gian Pháp ngữ.
Đồng thời tận dụng tiềm năng lớn của Cộng đồng Pháp ngữ để đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, nông nghiệp, năng lượng, du lịch bền vững, hợp tác khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo, hợp tác ba bên nhằm hỗ trợ châu Phi,…