Cơ hội lớn cho xuất khẩu gạo Việt

Dù năng suất lúa hè thu năm nay giảm so với năm trước do bị ảnh hưởng bởi mưa bão, nông dân An Giang vẫn vui vì bán được lúa với giá cao hơn – Ảnh: BỬU ĐẤU

Do mưa bão nhiều, nhiều diện tích lúa hè thu tại Đồng bằng Sông Cửu Long bị ngã đổ, sản lượng và chất lượng sụt giảm. Tuy nhiên theo các địa phương, năng suất lúa nhìn chung vẫn tăng so với vụ hè thu mọi năm và đặc biệt là giá lúa tốt hơn nhiều nhờ nhu cầu nhập khẩu các nước tăng cao.

Kỳ vọng được giá với lúa hè thu

Vụ lúa hè thu này, ông Nguyễn An Thành (ngụ xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) làm 10 công lúa đã được trên 40 ngày tuổi và đang phát triển tốt. Dự kiến còn khoảng 60 ngày nữa, ông sẽ thu hoạch. Dù tập trung chăm sóc lúa kỹ lưỡng, ông Thành cũng lo lắng không biết tới khi thu hoạch giá lúa có biến động gì không.

“Tui là nông dân, sống dựa vào cây lúa, một năm có hai vụ nên lúc nào cũng mong trúng mùa, bán được giá. Không chỉ theo dõi dự báo thời tiết để thăm đồng, điều chỉnh phân, thuốc…, tui còn ngóng giá cả lúa gạo.

Việc Philippines tăng nhập khẩu, giảm thuế nhập khẩu gạo là một tin rất vui. Doanh nghiệp có cơ hội bán được nhiều gạo với giá tốt sẽ kéo theo giá lúa tăng, nông dân trồng lúa cũng vui lây”, ông Thành nói.

Theo ông Nguyễn Văn Có (xã Viên Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), với gần 20 công lúa, tay nghề trồng lúa của nông dân đã được nâng cao. Ngoài chọn giống lúa chất lượng cao, bà con còn ứng dụng nhiều kỹ thuật canh tác hiện đại, giảm khí phát thải, hạn chế sử dụng phân bón và thuốc hóa học.

Cơ hội lớn cho xuất khẩu gạo Việt- Ảnh 2.

Ảnh: BỬU ĐẤU

“Việc Philippines tăng nhập khẩu gạo là tin vui cho ngành lúa gạo Việt Nam, nhất là bà con nông dân trồng lúa. Ngoài thị trường này, chúng ta cần hướng đến sản xuất sản phẩm chất lượng để vào các thị trường khác, làm tăng giá trị hạt gạo, tăng thu nhập cho người trồng lúa”, ông Có đề xuất.

Vừa bán cho thương lái với giá 7.500 đồng/kg lúa OM18 nhưng chị Huỳnh Kim Trang (xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, An Giang) cho biết đã nhận đặt cọc cách nay 2 tuần nên giá không quá cao nhưng gia đình chị cũng đã có lợi nhuận hơn 60 triệu đồng cho 3ha lúa.

“So sánh với lúa hè thu năm 2023, lúa hè thu năm nay có giá hơn. Nếu nước ngoài tăng mua, nông dân làm lúa sẽ bán có giá hơn rồi. Đợt này mưa gió liên tục đã làm lúa của bà con nông dân bị ảnh hưởng, thiệt hại phần nào và năng suất có thể thấp hơn chút”, chị Trang nói.

Làm thương lái thu mua lúa tại Đồng bằng Sông Cửu Long suốt hơn 25 năm nay, ông Lâm (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) cho hay vụ hè thu năm nào cũng đạt sản lượng thấp hơn đông xuân và chất lượng lúa cũng kém hơn. Nguyên nhân là do mưa bão nhiều, lúa bị đổ ngã liên tục, bị hao hụt và năng suất giảm.

Thời gian gần đây, mỗi ngày ông Lâm thu mua từ 300 – 400 tấn lúa để chuyển về huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp rồi xay xát bán gạo trong nước. Do một số loại giống lúa bị sập nặng nên giá lúa cũng giảm theo.

“Lúa OM18 này là loại lúa hạt dài nên ít đổ ngã, còn những loại khác nó đổ ngã nên giá dưới 7.000 đồng/kg cũng có. Vì lúa bị mưa nên không đẹp nữa”, ông Lâm nói.

Nhiều cơ hội khi các nước tăng nhập gạo

Ảnh: CHÍ QUỐC

Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Nguyễn Văn Văn – trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn – cho biết tổng diện tích lúa hè thu sớm đã được thu hoạch trên địa bàn đạt hơn 22.000ha (trên 52%), với giá bán lúa Đài thơm 8 và OM18 là từ 7.400 – 7.600 đồng/kg, còn lúa IR50404 có giá 7.200 đồng/kg. Nếu so với tháng trước, giá lúa thấp hơn 200 đồng/kg nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ năm trước.

“Mưa gió liên tục đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch và năng suất lúa của bà con. Mùa hè thu năm nay bà con trúng mùa, năng suất cao hơn 0,2 tấn/ha, còn giá cả nhích hơn chút nên nông dân phấn khởi. Tôi nghĩ thông tin Philippines tăng nhập khẩu là thông tin tốt cho bà con nông dân hiện nay”, ông Văn nói.

Lãnh đạo Công ty Đại Dương Xanh (doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Kiên Giang) cho biết đơn vị chủ yếu xuất khẩu gạo chất lượng cao đi các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Trung Đông…, còn Philippines rất ít xuất khẩu. Tuy nhiên, việc Philippines tăng nhập khẩu là thông tin tốt cho nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo rất phấn khởi. Trong khi giá gạo trong nước dao động từ 13.000 – 14.000 đồng/kg, không biến động gì nhiều.

“Chúng tôi chỉ làm khi có đơn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp khác cũng không mua nhiều mà chỉ mua cầm chừng. Ấn Độ cứ nói cấm xuất khẩu nhưng vẫn xuất khẩu bình thường ở những loại gạo khác với giá cao hơn. Vì vậy, tôi nghĩ đây là chiến thuật của họ. Vì họ nói vậy nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực. Họ có dân số đông nên lúc nào cũng để lượng tồn kho nhiều”, vị này nói thêm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Thái Bình – chủ tịch HĐQT Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) – cho biết Bulog (Indonesia) chuẩn bị mở đấu thầu 320.000 tấn gạo, phải giao trong tháng 8 – 9 tới đây. Đây là cơ hội cho nhiều quốc gia. Điều này chứng tỏ nhu cầu an ninh lương thực cho từng quốc gia rất lớn, nhất là các quốc gia chuyên nhập khẩu gạo của Việt Nam.

“Như vậy, nhu cầu gạo của các nước rất lớn. Người ta có nhu cầu rất lớn mà mình bán giảm giá là không được. Gạo đang ngày càng khan hiếm khi tình hình biến đổi khí hậu bất thường nên gạo đang có nhu cầu rất lớn và cơ hội gạo Việt chúng ta rất lớn”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, đến nay Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4,8 triệu tấn gạo, thu về hơn 3 tỉ USD. Với nhu cầu gạo của Philippines và Indonesia như vậy, Việt Nam rất tích cực chủ động nguồn lúa gạo. Tuy nhiên, vụ này mưa gió nên lượng lúa gạo không đẹp như vụ đông xuân.

“Do đó, chúng ta phải thận trọng trong bối cảnh tham gia đấu thầu gạo này khi các nước đang có nhu cầu. Điều đáng mừng là đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đang triển khai cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp và nông dân thực hiện đề án theo hướng nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo và nâng cao đời sống người nông dân”, ông Bình nói.

Không lo bị ảnh hưởng khi Ấn Độ xuất khẩu gạo trở lại

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về thông tin Ấn Độ có khả năng “nới rộng” lệnh cấm xuất khẩu gạo và khả năng giá gạo Việt có giảm, ông Phạm Thái Bình – chủ tịch HĐQT Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An – khẳng định Ấn Độ thông tin sẽ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại nhưng điều này không gây ảnh hưởng gì đến đầu ra của gạo Việt Nam.

“Vì Ấn Độ phải lo an ninh lương thực cho chính quốc gia hơn 1,4 tỉ dân của họ. Chất lượng gạo Ấn Độ khác chất lượng gạo Việt Nam nên có mở cửa hay cấm cũng không ảnh hưởng gì nhiều, nếu có thì rất ít đối với một số loại gạo làm bánh”, ông Bình nói.

Philippines tăng nhập khẩu, gạo Việt hưởng lợi

Mới đây, Bộ Nông nghiệp Philippines ước tính lượng gạo nhập khẩu của nước này trong cả năm 2024 có thể đạt tới 4,5 triệu tấn (trước đây chỉ 3,9 triệu tấn gạo). Con số này dựa vào sản lượng nhập khẩu 6 tháng đầu năm là 2,32 triệu tấn, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2023. Thêm vào đó, Chính phủ Philippines đang áp dụng đạo luật 11203 cho phép tự do hóa nhập khẩu gạo và sắc lệnh 62 giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống 15%… là cơ sở cho những dự báo trên.

Tại Philippines, gạo Việt Nam chiếm tới 85% thị phần gạo nhập khẩu, kế đến là Thái Lan với 10%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Philippines nhập khẩu gạo từ Việt Nam đạt trên 1,7 triệu tấn, Thái Lan đứng thứ hai với hơn 352.000 tấn. Chính vì vậy, việc Philippines tăng nhập khẩu gạo sẽ là cơ hội thị trường rất lớn cho hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Đồng Tháp: giá lúa hè thu tăng 500 – 1.200 đồng/kg

Cơ hội lớn cho xuất khẩu gạo Việt- Ảnh 4.

Nông dân Đồng Tháp “thắng lớn” do giá lúa hè thu năm nay cao hơn 500 – 1.200 đồng/kg so với năm trước – Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết dù gặp thời tiết bất lợi, có mưa gây đổ ngã, dịch hại làm giảm năng suất, nhưng bù lại, giá lúa hè thu năm 2024 tại địa phương cao hơn cùng kỳ năm 2023 từ 550 – 1.200 đồng/kg tùy giống.

Cụ thể, giá lúa IR50404 là 7.150 đồng/kg, Nàng Hoa 9 là 7.650 đồng/kg, Đài thơm 8 giá 7.550 đồng/kg, OM18 giá 7.600 đồng/kg và OM 5451 giá 7.400 đồng/kg. Nông dân Huỳnh Văn Mẫn (thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự) cho biết một số diện tích lúa bị đổ ngã do tuần trước mưa kéo dài làm ảnh hưởng đến năng suất nhưng bà con đang thu hoạch lúa hè thu khá thuận lợi do có nắng trở lại. “Nếu thời tiết thuận lợi, có nắng khi cắt lúa sẽ giảm được hao hụt”, ông Mẫn nói.

Ông Huỳnh Minh Đường – phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp – cho biết tỉnh này đã thu hoạch hơn 110.500ha trong tổng số 186.741ha lúa hè thu, với năng suất trung bình 6,8 tấn/ha.

“Với giá lúa đang được thương lái mua, trong khi giá thành sản xuất lúa vụ hè thu dao động 3.458 – 3.667 đồng/kg, người dân đạt lợi nhuận ước đạt 26 – 32 triệu đồng/ha, tăng từ 3,4 – 9 triệu đồng/ha so với cùng kỳ năm 2023”, ông Đường thông tin.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *