Việc Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình gửi lời mời và Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên trong chuyến công tác nước ngoài chỉ hai tuần sau khi giữ cương vị mới đã cho thấy sự coi trọng của lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước đối với quan hệ song phương.
Xúc động khi thăm Quảng Châu
Sáng 18-8, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến Quảng Châu, bắt đầu các hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc.
Xúc động, bồi hồi là những cảm xúc được ghi lại trong các hoạt động của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước tại Quảng Châu. Đó là chuyến thăm di tích trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, nơi cách đây 100 năm đã lưu lại dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi hoạt động cách mạng ở Quảng Châu từ năm 1924 – 1927, là mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái – người đã tạo nên “tiếng bom Sa Điện” gây chấn động thời bấy giờ, thể hiện tinh thần yêu nước quật cường của dân tộc Việt Nam năm 1924. Đó còn là cuộc gặp của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm với đại diện các tổ chức hữu nghị, thân nhân của gia đình các tướng lĩnh cách mạng, các chuyên gia, cố vấn từng tham gia giúp đỡ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến…
Tại cuộc gặp mặt các nhân sĩ trí thức Trung Quốc, không chỉ các đại biểu, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm cũng bày tỏ xúc động khi điểm dừng chân đầu tiên của đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam trong chuyến thăm Trung Quốc là Quảng Châu. Bởi đây là nơi Bác Hồ đã đặt chân đến sau 13 năm ra đi tìm đường cứu nước, là nơi Người đã chuẩn bị về lý luận, tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây cũng là nơi thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, đào tạo nên những lãnh đạo ưu tú của Đảng Cộng sản Việt Nam như Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu và “lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn.
Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định lịch sử sát cánh chiến đấu giữa các nhà cách mạng hai nước Việt Nam – Trung Quốc là tấm gương sáng trong phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản thế giới, đặt nền móng vững chắc cho quan hệ hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc. Ông bày tỏ sự tràn đầy tin tưởng rằng mỗi đại biểu có mặt tại cuộc gặp gỡ này, dù là ai và ở cương vị nào, cũng đều có một mong muốn chung lớn lao là quan hệ Việt – Trung “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
Nhiều kỳ vọng
Truyền thông Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến chuyến thăm của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm khi đưa tin đầy đủ, trang trọng các hoạt động của ông và đoàn đại biểu cấp cao ngay từ khi đến.
Nhiều chuyên gia Trung Quốc nghiên cứu về Việt Nam cũng bày tỏ lạc quan về triển vọng quan hệ hai nước. Trong bài bình luận trên tờ Bắc Kinh buổi chiều ngày 18-8, giáo sư Triệu Vệ Hoa, giám đốc Trung tâm nghiên cứu quan hệ Trung Quốc với các nước láng giềng thuộc Trường đại học Phúc Đán, cho rằng chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc cho thấy vai trò quan trọng của Trung Quốc trong chiến lược đối ngoại của Việt Nam.
Ông khẳng định Việt Nam và Trung Quốc đều là nước xã hội chủ nghĩa, đang tiến hành xây dựng xã hội chủ nghĩa và cải cách, đổi mới. Không chỉ giao thương, sự giao lưu và hợp tác về lý luận giữa hai đảng, hai nước cũng rất sâu sắc và hiệu quả. Do đó, ông kỳ vọng chuyến thăm sẽ là cơ hội để hai bên trao đổi về các lĩnh vực xây dựng xã hội chủ nghĩa, hợp tác kinh tế – thương mại và phòng chống tham nhũng.
Trên tờ Sputnik bản tiếng Trung, chuyên gia Chu Nhung, nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu tài chính Trùng Dương thuộc Trường đại học Nhân dân Trung Quốc, tin rằng chuyến thăm của nhà lãnh đạo Việt Nam mang ý nghĩa chính trị sâu sắc bởi việc Trung Quốc tăng cường mối quan hệ khăng khít và hữu nghị với Việt Nam, một nước có ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á, sẽ có vai trò quan trọng về lâu dài cho quan hệ Trung Quốc với ASEAN.
Giới quan sát cũng cho rằng chuyến thăm sẽ góp phần tiếp nối sự trao đổi mật thiết giữa lãnh đạo cấp cao của hai nước, thiết lập quan hệ cá nhân giữa Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Đó chắc chắn sẽ là những nền tảng vững chắc giúp thúc đẩy mạnh mẽ những hợp tác thực chất về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.
Lễ đón diễn ra hôm nay
Kết thúc các hoạt động tại Quảng Châu, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thủ đô Bắc Kinh vào chiều tối 18-8. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hôm nay (19-8), Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ dự lễ đón cấp nhà nước do Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì. Hai nhà lãnh đạo sau đó sẽ có cuộc hội đàm quan trọng.
Dự kiến trong ngày, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm cũng sẽ có cuộc gặp với các lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc.
Trung Quốc mở cửa sẽ mang nhiều cơ hội cho Việt Nam
Sự kiện Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm chọn Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ông đến thăm sau khi nhậm chức tổng bí thư thể hiện đầy đủ sự coi trọng của ông trong phát triển quan hệ giữa hai đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam, đồng thời thể hiện rằng Trung Quốc và Việt Nam coi việc phát triển quan hệ Trung – Việt là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao của mỗi nước.
Trung Quốc hy vọng thông qua chuyến thăm này sẽ tiếp nối mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam, thúc đẩy hai nước cùng chung tay đi theo con đường hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa đặc sắc của mỗi nước, cùng thúc đẩy sự phát triển của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa thế giới, đóng góp cho sự hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Tháng 7 vừa qua, Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX đã thông qua quyết định về tiếp tục đi sâu cải cách toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc. Điều này gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến thế giới rằng Trung Quốc sẽ kiên định giương cao ngọn cờ cải cách mở cửa trong thời kỳ mới.
Mở cửa là một đặc trưng nổi bật của hiện đại hóa kiểu Trung Quốc và cánh cửa của Trung Quốc sẽ chỉ ngày càng mở rộng hơn. Trong quyết định trên, từ “cải cách” xuất hiện với tần suất cao 145 lần, từ “mở cửa” xuất hiện 35 lần; hơn 300 biện pháp cải cách quan trọng được đề ra liên quan đến thể chế, cơ chế, chế độ, thể hiện quyết tâm và lòng tin vững chắc của Trung Quốc trong việc thực hiện cải cách đến nơi đến chốn.
Trung Quốc mở cửa sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển hơn cho các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo chiến lược của lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước, Trung Quốc và Việt Nam cùng tuyên bố xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc – Việt Nam có ý nghĩa chiến lược, xác định một định vị lịch sử mới cho quan hệ hai nước, mở ra chương mới cho quan hệ Trung Quốc – Việt Nam trong thời đại mới.
Với nỗ lực chung của Trung Quốc và Việt Nam, các mặt hàng nông sản chất lượng cao của khu vực miền Nam Việt Nam như sầu riêng, chuối, chanh dây… ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên bàn ăn và trong giỏ trái cây của người dân Trung Quốc; bánh pía Sóc Trăng và yến sào Khánh Hòa ngày càng trở thành món ăn “nổi tiếng trên mạng” mà du khách Trung Quốc phải “check-in” khi đến Việt Nam. Sắp tới dừa tươi, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam cũng sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, mang lại lợi ích cho người dân hai nước.
Trung Quốc sẵn sàng cùng với Việt Nam tiếp tục làm sâu sắc hợp tác trong các lĩnh vực nông sản, kết nối hạ tầng… đồng thời thực hiện tốt kết nối sáng kiến Vành đai và Con đường với khuôn khổ “hai hành lang, một vành đai”.
Chúng tôi cũng muốn tăng cường hợp tác vận tải đường bộ, đường hàng không, đường sắt giữa Trung Quốc và Việt Nam; thúc đẩy kết nối toàn diện mạng lưới đường bộ, đường biển, đường hàng không; đóng góp tích cực cho việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc – Việt Nam có ý nghĩa chiến lược.
Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM Ngụy Hoa Tường