Theo báo Straits Times ngày 23-9, Bắc Kinh vừa tuyên bố đẩy nhanh kế hoạch mang mẫu vật từ sao Hỏa về Trái đất lên hai năm. Theo đó, sứ mệnh Thiên Vấn-3 (Tianwen-3) sẽ bắt đầu “khoảng năm 2028”, thay vì năm 2030 như kế hoạch ban đầu.
Tham vọng dẫn đầu của Trung Quốc
Sự thay đổi trên được ông Liu Jizhong, lãnh đạo chương trình thu thập mẫu vật sao Hỏa của Trung Quốc, công bố trong một hội thảo về khám phá vũ trụ tại tỉnh An Huy hôm 5-9.
Ông Liu cho biết Thiên Vấn-3 sẽ được thực hiện theo 13 giai đoạn, với mục đích cuối cùng là tìm dấu hiệu sự sống trên hành tinh đỏ. Theo giới chức Trung Quốc, mỗi sứ mệnh sao Hỏa có thể tốn khoảng ba năm để đi và về. Điều này đồng nghĩa những mẫu đất đá sao Hỏa đầu tiên có thể hạ cánh xuống Trái đất vào khoảng năm 2031 nếu mọi việc thuận lợi.
Việc rút ngắn tiến độ trên diễn ra trong bối cảnh cuộc chạy đua không gian đang ngày một sôi động. Không còn là cuộc đua song mã giữa Mỹ và Liên Xô (sau là Nga), đường đua vũ trụ những năm gần đây ghi nhận sự trỗi dậy của những “người chơi mới”, điển hình là Ấn Độ và Trung Quốc.
Ngày 23-8-2023, tàu đổ bộ Vikram của New Delhi hạ cánh nhẹ nhàng lên bề mặt cực nam của Mặt trăng, đưa cường quốc Nam Á trở thành nước đầu tiên trên thế giới làm được điều này. Đáng nói, chỉ vài ngày trước đó, hôm 20-8, tàu Luna-25 của Nga đã thất bại khi cố gắng làm điều tương tự.
Hồi cuối tháng 6, tàu Thường Nga-6 của Trung Quốc hạ cánh an toàn xuống lãnh thổ nước này, đưa những mẫu đất đá thu thập từ vùng khuất của Mặt trăng về lại Trái đất, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử khám phá không gian của nhân loại.
Trái với những thành công trên, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa phải tuyên bố dời kế hoạch thu thập mẫu vật sao Hỏa của mình. Trước đó một cuộc thẩm định độc lập dự đoán chi phí hoàn thành sứ mệnh của NASA có thể lên đến 11 tỉ USD và đến tận năm 2040 mới hoàn thành.
Ông Clayton Swope, phó lãnh đạo chương trình an ninh hàng không vũ trụ của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định: “Trước việc sứ mệnh thu thập mẫu vật sao Hỏa của NASA bị hoãn, Bắc Kinh nhiều khả năng đã nhận thấy đây là cuộc đua họ có thể chiến thắng. Việc Trung Quốc hoàn thành sứ mệnh lấy mẫu vật sao Hỏa trước các bên khác có ý nghĩa cực kỳ lớn. Đó sẽ là thành tựu làm nên lịch sử”.
Ông Swope cho rằng Bắc Kinh không quá xem trọng những thành tích khám phá Mặt trăng mà nước này có thể đạt. Dù thành tích có lớn mức nào thì Trung Quốc cũng không thể xóa nhòa việc Mỹ đã đưa người lên Mặt trăng từ gần 60 năm trước.
Trong khi đó sao Hỏa lại là nơi có nhiều dư địa để Bắc Kinh giành “ngôi đầu”. Ông Swope đánh giá: “Trung Quốc muốn thể hiện rằng họ đang trên đường trở thành cường quốc vũ trụ quan trọng nhất thế giới. Việc trở thành nước đầu tiên đạt thành tựu nào đó ngoài vũ trụ, ví dụ như hoàn thành sứ mệnh lấy mẫu vật sao Hỏa, có thể là nấc thang đưa Trung Quốc lên cao trong cuộc đua này”.
Khu vực tư nhân cũng rục rịch
Không chỉ các cường quốc mới nổi, “cuộc đua vũ trụ” còn ghi nhận sự bứt phá từ các công ty tư nhân. Đi đầu trong đó là SpaceX và Blue Origin của hai tỉ phú giàu nhất thế giới Elon Musk và Jeff Bezos.
Ngày 22-9, ông Musk công bố kế hoạch triển khai năm sứ mệnh Starship không người lái lên sao Hỏa trong vòng hai năm, tức khoảng năm 2026. Đầu tháng 9, ông Musk từng khẳng định sẽ phóng những chuyến Starship đầu tiên lên sao Hỏa trong hai năm tới.
Ông Musk cho biết nếu nhóm tàu không người lái hạ cánh thành công xuống sao Hỏa, SpaceX sẽ triển khai sứ mệnh đưa người đến đây trong khoảng năm 2028. Nếu quá trình đưa tàu không người lái gặp trục trặc thì việc phóng tàu có người lái sẽ được hoãn thêm hai năm.
Lịch trình vừa được ông Musk công bố rút ngắn đáng kể tiến độ khám phá sao Hỏa của SpaceX. Hồi đầu năm, tỉ phú giàu nhất thế giới dự đoán tàu Starship không người lái đầu tiên sẽ hạ cánh sao Hỏa muộn nhất năm 2029 và tàu có người lái làm điều tương tự vào năm 2031.
Tham vọng vũ trụ của SpaceX thu được tín hiệu khả quan hồi tháng 6, khi tên lửa Starship của công ty này hạ cánh thành công xuống Ấn Độ Dương. Đây là lần thử thứ tư của dòng tên lửa có thể tái sử dụng thế hệ mới này và là lần đầu tiên Starship hoàn thành một vòng bay ra không gian và trở lại Trái đất.
Starship được SpaceX phát triển với mong muốn giảm chi phí và thời gian chuẩn bị cho mỗi lần phóng tàu vào không gian. Việc Starship hoàn tất quá trình thử nghiệm và chính thức đi vào hoạt động giúp con người tiến thêm một bước trong quá trình làm chủ công nghệ tàu vũ trụ có thể tái sử dụng. Khi ấy, cuộc đua không gian có thể diễn ra còn nhanh và mạnh mẽ hơn hiện tại.
NASA cầu viện SpaceX về sao Hỏa
Tháng 2-2021, xe tự hành Perseverance của NASA tiếp đất thành công lên sao Hỏa, bắt đầu hành trình tìm kiếm dấu hiệu sự sống ở đây. Đến nay xe đã thu thập được 22 mẫu vật của hành tinh đỏ.
Tháng 7-2022, NASA đặt mục tiêu đưa 30 mẫu vật được Perseverance thu thập trở lại Trái đất vào năm 2033. Tuy nhiên kế hoạch trên vẫn còn nhiều rủi ro và khả năng trễ hẹn rất cao.
Trước việc Trung Quốc tuyên bố đẩy nhanh tiến độ đưa mẫu vật sao Hỏa về Trái đất sớm nhất năm 2031, ông Swope cho rằng Mỹ cần xem xét và điều chỉnh kế hoạch đón Perseverance của mình.
Thực tế hồi tháng 6, NASA đã tìm đến một số công ty tư nhân chuyên mảng hàng không vũ trụ, trong đó có SpaceX, để tham vấn những phương án có thể đẩy nhanh tiến độ sứ mệnh sao Hỏa và tối ưu hóa chi phí. Hãng sản xuất máy bay và khí tài phòng không hàng đầu Lockheed Martin cũng đã được liên hệ.