Chương trình “Tiếp sức nhà nông” không đơn thuần chỉ là hỗ trợ vốn, mà còn là trao kiến thức, gửi gắm niềm tin… để nông dân, nhất là người phụ nữ nông thôn thêm vững tin hơn.
Nguồn vốn ý nghĩa
40 hộ nông dân ở các xã Hồng Sơn và Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận vừa được chương trình “Tiếp sức nhà nông” trao vốn để có thêm nguồn phát triển kinh tế, cải thiện thiện cuộc sống.
Nông dân phấn khởi, vui mừng bởi không chỉ được nhận vốn vay không lãi suất trong 2 năm mà còn được hỗ trợ thêm kiến thức kỹ thuật chăn nuôi. Con cái của họ còn nhận được những suất học bổng, trải nghiệm đáng nhớ tại chương trình.
Đơn cử hộ của chị Trịnh Thị Xuân Bích ở thôn 2, xã Hàm Đức. Gia đình chị có 3 cháu, cháu lớn nhất năm nay bước vào lớp 8 và nhỏ nhất 19 tháng tuổi. Cuộc sống cả nhà phụ thuộc vào nghề thợ hồ của người chồng. Nhưng thu nhập từ nghề hồ tất bật từ sáng đến tối hiện tại không thể cân bằng được mức sống như hiện nay, chưa kể lúc trái gió trở trời.
Căn nhà cấp 4 của gia đình dựng lên nhưng còn thiếu tiền tô vách, lúc mưa nước tạt, chảy lênh láng. Khó khăn là thế, nhưng vợ chồng luôn cố gắng để các con được cấp sách đến trường.
“Bản thân hai vợ chồng đã khó khăn, không thể để các con theo vết xe cũ của mình”, chị Bích chia sẻ.
Trước đây, gia đình được địa phương hỗ trợ cho vay theo diện hộ nghèo. Có được số vốn đầu tay, vợ chồng liền mua một con bò về nuôi, lấy công làm lời. Nhưng nghĩ đến tương lai cả 3 đứa con sau này học cao hơn, hai vợ chồng không khỏi lo xa.
Hay tin sẽ được chương trình “Tiếp sức nhà nông” quan tâm và trao vốn lần này, vợ chồng mừng khôn xiết. Niềm vui của chị Bích cũng là tâm trạng chung của các hộ vừa nhận số vốn từ chương trình lần này.
Ngược lại hai năm về trước, gia cảnh chị Đỗ Thị Ẩn ở thôn 1, xã Hồng Sơn càng khó khăn hơn. Chồng mất sớm do căn bệnh ung thư, để lại chị cùng hai đứa con gái với căn nhà sập xệ.
Ai thuê gì chị làm nấy, làm bất cứ việc gì không ngại ngày đêm để cho các con được cấp sách đến trường với bạn bè cùng trang lứa. Tài sản lúc ấy cũng chẳng có gì ngoài tự bản thân đi làm thuê.
Khi chương trình “Tiếp sức nhà nông” cấp vốn, chị mua được một con bò, sửa chuồng trại rồi nuôi thêm gà vịt. Sau hai năm, bò mẹ đẻ ra bò con và chuẩn bị thêm một lứa nữa. Số vốn lần trước chị cũng trả đúng hẹn.
Với chị Ẩn, nguồn vốn ấy không chỉ là tài sản 3 con bò hiện tại mà là động lực cho chị tiếp tục với cuộc sống cùng con cái. Con chị cũng nhờ đó mà cố gắng học hành hơn, đạt thành tích giỏi. Thức khuya dậy sớm làm đủ nghề, nhưng nghĩ đến con cái học giỏi là chỉ quên hết mọi muộn phiền.
Trao kiến thức, gửi gắm niềm tin
Chương trình “Tiếp sức nhà nông” năm 2024 là lần thứ 5 đến với người nông dân các xã Hồng Sơn và Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận.
Theo ban tổ chức, chương trình không chỉ góp phần cải thiện cuộc sống của gia đình nông dân Việt, mà còn tạo ra tác động xã hội lớn. Có khoảng 2.620 hộ nông dân tại 24 tỉnh, thành trên khắp cả nước đã được cải thiện sinh kế từ chương trình ý nghĩa này. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ tham gia chương trình chiếm 95%.
Ông Lê Minh Thắng – giám đốc kinh doanh GREENFEED khu vực Bình Thuận – cho biết qua những buổi tập huấn kỹ thuật, bà con đã thay đổi trong tư duy chăn nuôi.
“Từ chăn nuôi thô sơ, thói quen cũ, bây giờ họ đã thay đổi, nâng cao khoa học kỹ thuật để áp dụng vào trong chăn nuôi từ số vốn mà GREENFEED đã đồng hành và hỗ trợ. Sau khi tập huấn, GREENFEED còn bố trí các nhân viên kỹ thuật bám trụ tại địa bàn để bà con có nhu cầu thì liên hệ tư vấn lúc cần thiết”, ông Thắng vui mừng nói.
Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Nguyên – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – cho rằng ý nghĩa nhân văn của chương trình không dừng lại chỗ cấp vốn, mà là trao thêm kiến thức, gửi gắm niềm tin đến người nông dân. Đây được xem như là chiếc cần câu vững chắc để họ vươn lên thoát nghèo, con cái có thêm động lực học tập.
Chia sẻ thêm về ý nghĩa của chương trình, ông Nguyễn Phú Hoàng – chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận – cho biết đây không chỉ hỗ trợ tài chính thiết thực, mà còn chú trọng đến việc giúp bà con tiếp cận mô hình chăn nuôi hiệu quả.
Qua đó, chương trình góp phần tiếp sức cho người nông dân tại địa phương vượt khó, thoát nghèo, đặc biệt các chị em phụ nữ nông thôn, vươn lên tự chủ kinh kế, chăm lo con cái học hành, nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày.