Những chiếc chai thủy tinh bỏ đi được anh Khôi thu gom quanh làng – Ảnh: NVCC.
Phần lớn những người lần đầu được chiêm ngưỡng “tác phẩm nghệ thuật” từ lọ thủy tinh của thầy giáo mỹ thuật trường làng đều phải trầm trồ, bất ngờ trước vẻ đẹp của chúng.
Người thầy giáo Tiểu học đó đã khoác lên “chiếc áo choàng rực rỡ” cho thứ tưởng như chỉ là rác thải, vật bỏ đi góp phần bảo vệ môi trường, làm cho cuộc sống xanh hơn, trong lành hơn.
Chúng ta đều biết rằng thủy tinh là một trong những vật liệu khó phân hủy nhất, được xếp vào nhóm rác thải rắn và dễ gây ô nhiễm môi trường nếu không được xử lý đúng cách.
Ấy vậy, dưới con mắt của thầy Khôi, hiện đang công tác tại trường Tiểu học Tô Hiệu, những chai thủy tinh cũ, bỏ đi lại biến thành sản phẩm nghệ thuật cực kỳ đẹp mắt, sau khi được trang trí, vẽ lên những họa tiết cầu kỳ, nhiều màu sắc, thu hút được người xem.
Thầy Khôi theo đuổi đam mê tái chế thủy tinh này đã được 5 năm.
Trong một ngày cuối tuần thảnh thơi, trên chiếc xe của mình về huyện Thường Tín nhân chuyến đi thăm người bạn của mình, tôi đã có dịp ghé thăm nhà thầy Khôi, được thầy chia sẻ về quá trình tạo nên những chiếc chai thủy tinh rực rỡ sắc màu.
Điều quan trọng hơn, là một người thầy giáo, Ngô Minh Khôi coi việc tái chế là một việc làm nên được thực hiện thường xuyên và phổ biến trong trường học. Thầy coi việc phổ biến đến các em học sinh và mọi người xung quanh như một cách bảo vệ môi trường, tạo nên cuộc sống trong lành, giữ gìn cảnh quan xanh sạch đẹp.
Chia sẻ với tôi, anh nói những ngày nghỉ không phải lên lớp dạy, lại trên chiếc xe gắn máy của mình đi thu gom những chiếc chai thủy tinh bỏ đi, mua lại từ người trong làng, xã.
Thời điểm hết chai thủy tinh chưa tự đi được thì anh nhờ vợ của mình hỗ trợ đi gom lại. Chất liệu vẽ của anh khá đơn giản bằng các vật dụng như dây thừng nhỏ, sơn, màu nước, bút lông, cọ vẽ… cùng những chiếc chai thủy tinh cả lành lặn hay sứt mẻ đều có thể làm nên tác phẩm nghệ thuật.
Thông thường, anh Khôi dành thời gian vài ngày có khi đến 1 tuần để hoàn thiện một sản phẩm vẽ trên vỏ chai thủy tinh bao gồm các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, chất liệu vẽ trang trí.
Anh thường dành thời gian buổi tối sau khi soạn xong giáo án, lúc được nghỉ ngơi không phải lên lớp.
Thầy Khôi còn tích cực chia sẻ những sản phẩm mỹ nghệ của mình với chiếc chai thủy tinh đầy màu sắc vào bài giảng mỹ thuật của mình trên lớp để học sinh quan sát, học tập được tốt hơn.
Lồng ghép vào bài giảng của mình, thầy Khôi luôn căn dặn học sinh phải biết giữ gìn môi trường, trân trọng những thứ ngay cả khi nó không còn giá trị sử dụng bởi nó sẽ mang một giá trị khác khi ta biết khai thác, thổi hồn vào nó.
Học sinh trường Tô Hiệu cực kỳ yêu thích các sản phẩm vẽ trên thủy tinh của thầy Khôi, nhiều em muốn được thầy dạy chi tiết từng công đoạn làm ra sản phẩm đẹp mắt đó.
Qua bàn tay của thầy giáo mỹ thuật, những chiếc chai thủy tinh bỏ đi “mang một cuộc đời mới” – Ảnh: NVCC.
Nhiều người thích thú với sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ chai thủy tinh bỏ đi của anh Khôi đã đến và hỏi mua. Các đơn vị khác cũng đặt số lượng lớn để anh thực hiện và bán cho họ dùng để trang trí nội, ngoại thất. Ngày càng có nhiều người biết đến các sản phẩm nghệ thuật của anh Khôi.
Công việc này đem đến không chỉ niềm vui mỹ thuật mà còn giúp anh có thêm nguồn thu nhập, quan trọng hơn là góp phần bảo vệ môi trường, tái chế rác thải làm cho môi trường xanh sạch hơn khi giảm thiểu rác thải rắn hiệu quả.
Chia sẻ về công việc tái chế thủy tinh đã qua 5 năm của mình, thầy Khôi còn cho biết thời gian tới muốn mở rộng việc tái chế trên túi nilon kết hợp với thủy tinh để tạo ra các sản phẩm độc đáo hơn nữa.
Thực tế là không chỉ vẽ lên thủy tinh, người thầy đến từ Thường Tín còn vẽ trên đá, sỏi hay vỏ nhựa cứng tạo nên những họa tiết vô cùng đẹp mắt, sinh động. Bằng sự sáng tạo và hơn hết là tinh thần sống xanh, bảo vệ môi trường và đam mê với tái chế xanh, thầy giáo trường làng Ngô Minh Khôi chắc chắn còn mang đến cho đời nhiều tác phẩm nghệ thuật mới mẻ, đẹp mắt khác nữa.
Anh cũng là nhân tố tiêu biểu của địa phương trong việc nâng cao ý thức người dân bảo vệ môi trường, tái chế nhiều hơn để giữ gìn cảnh quan lại tạo ra được nhiều món đồ có ý nghĩa, giá trị mới, như tạo ra một cuộc đời mới, “chiếc áo choàng mới” cho những thứ tưởng chừng như bỏ đi…
Từ ý nghĩa công việc anh Khôi làm, nhiều cơ quan báo đài cũng đã biết đến anh và mời tham giới thiệu mô hình tái chế của mình.
Không chỉ vẽ trên thủy tinh, thầy giáo quê Thường Tín, Hà Nội còn thực hiện trên đá, sỏi, bìa carton – Ảnh: NVCC.
Thầy Khôi chia sẻ: “Thanh xuân là cuốn nhật ký ghi lại hành trình theo đuổi khát vọng của chúng ta.
Cuốn nhật ký ấy chắc chắn sẽ có những trang đầy đặn con chữ, nhưng cũng sẽ có những trang còn trống để lại nhiều dòng kẻ.
Và việc chúng ta cần làm là lấp đầy những khoảng trống đó bằng nỗ lực, bằng sự nhiệt huyết theo đuổi ước mơ, theo đuổi đam mê của chính mình”.
Đam mê của thầy Khôi là tái chế xanh, tái chế mọi thứ bỏ đi và biến chúng thành tác phẩm nghệ thuật.
Thay lời cho chính những chiếc vỏ thủy tinh bỏ đi, thầy giáo trường làng luôn có câu nói làm nguồn động lực cho mình: “Hãy tái chế tôi, cho tôi một cuộc đời mới”.