Chiều 27-8, phiên tòa xét xử nhóm “cát tặc” hút trộm 74.600m3 cát tại khu vực Cồn Ngựa (huyện Cần Giờ, TP.HCM) bắt đầu phần xét hỏi.
Chi hàng trăm triệu thuê tàu đi hút trộm cát
Là người đầu tiên bước lên bục khai báo, bị cáo Trương Văn Chinh (39 tuổi, quê tỉnh Hải Dương) cho rằng cáo trạng có nhiều điểm không đúng với hành vi của bị cáo.
Về hành vi vi phạm quy định về khai thác tài nguyên, bị cáo Chinh khai rằng các bị cáo là chủ tàu trong vụ án hoàn toàn không biết việc bị cáo thuê tàu để đi khai thác cát lậu.
Theo bị cáo Chinh, từ tháng 2-2022, bị cáo nhờ bạn là bị cáo Trương Văn Thắng (39 tuổi, quê tỉnh Hải Dương) tìm thuê tàu để kinh doanh vận tải hàng khô.
Sau đó ông Chinh thuê tổng cộng 9 tàu với giá thuê mỗi tàu từ 60 – 100 triệu đồng/tháng. Thêm tiền thuê công nhân, chi phí vận hành mỗi tàu là khoảng 200 triệu đồng/tháng.
Ông Chinh chỉ đạo các thuyền trưởng đi mua cát để bán lại nhưng nguồn cát khan hiếm, việc mua cát khó khăn nên kinh doanh không hiệu quà. Từ đó bị cáo hoán tàu để đi hút trộm cát.
Ông Chinh lập ra nhóm zalo “hội anh em miền bắc” với các thành viên gồm bị cáo, bị cáo Thắng và các thuyền trưởng để thực hiện việc hút trộm cát.
Các bị cáo nói không đưa hối lộ
Về hành vi đưa hối lộ, bị cáo Chinh cho rằng viện kiểm sát truy tố không đúng. Bị cáo không chuyển tiền, không nhờ ai chuyển tiền, tác động ai nhằm mục đích đưa hối lộ.
Về số tiền chuyển cho ông Thắng thông qua bị cáo Bùi Văn Bản (cháu Chinh), bị cáo Chinh nói đây là tiền cho ông Thắng mượn và trả nợ tiền nhờ ông Thắng mua thiết bị, máy móc hoán cải tàu.
Trả lời hội đồng xét xử, bị cáo Trương Văn Thắng cho biết do làm nghề cơ khí nên quen biết nhiều chủ tàu.
“Khi Chinh nhờ tìm tàu để thuê thì bị cáo giới thiệu để Chinh tự thỏa thuận. Bản thân bị cáo không bàn bạc, liên quan hay hưởng lợi từ việc hút trộm cát”, bị cáo Thắng khai.
Về hành vi đưa hối lộ, bị cáo Thắng khai nhận được điện thoại của ông Chinh nhờ tìm người có khả năng lo lót, xin cho các tàu này không bị tịch thu. Sau đó ông Thắng gặp Bùi Văn Cường (ở cùng xóm) để nhờ người giúp.
Bị cáo Thắng khai đã chuyển theo yêu cầu của ông Cường tổng cộng số tiền 1,6 tỉ đồng để lo lót cho tàu của ông Chinh.
Ông Thắng cho rằng ông Cường hướng dẫn ông Thắng gặp 6 chủ tàu có tàu bị tạm giữ, kêu những người này ủy quyền để ông Thắng trực tiếp làm việc với cơ quan chức năng.
Tiếp đó ông Thắng cùng ông Bùi Văn Song – phó bí thư thường trực kiêm chủ tịch HĐND xã Minh Hòa, thị xã Kinh Môn (chồng của một chủ tàu bị tạm giữ) – đến UBND xã Minh Hòa và nhờ bà Phạm Thị Hoa (phó chủ tịch UBND xã) ký xác nhận, đóng dấu, phát hành.
Ngày 10-5-2022, ông lên Hà Nội gặp ông Cường. Cả hai đến một quán ăn để gặp Trịnh Văn Hưng (cựu cán bộ Cục Hậu cần, Bộ Công an), tiếp đó ông Hưng nhờ bạn tên Long chở đến Cục Cảnh sát giao thông (C08), Bộ Công an gặp ông N.C.C.. Tại đây, ông Thắng trình bày việc tàu bị giữ và đưa giấy ủy quyền cho ông C. rồi ra về.
Bị cáo Bùi Văn Cường trả lời hội đồng xét xử cho biết sau khi được ông Thắng nhờ đã thông qua người quen để liên hệ với ông Hưng để nhờ “giúp đỡ”. Ông Cường khai chuyển khoản cho ông Hưng tổng cộng 1 tỉ đồng, trong đó 600 triệu đồng là cho Hưng vay, còn lại 400 triệu đồng là gửi tiền đóng phạt cho tàu.
Việc làm giấy ủy quyền, ông Cường nói chỉ nhắc nhở chứ không yêu cầu ông Thắng làm như lời khai của Thắng.
Ngoài ra, bị cáo Cường thừa nhận đã nhận tổng cộng 1,6 tỉ đồng từ ông Thắng nhưng cho rằng trong đó có 800 triệu đồng là tiền ông Cường vay của ông Thắng để mua sà lan, còn lại 800 triệu đồng là để “lo lót”.
Cựu cán bộ công an nói chỉ là vay tiền do làm ăn khó khăn
Còn cựu cán bộ công an Trịnh Văn Hưng không đồng ý với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà viện kiểm sát truy tố.
Bị cáo Hưng khai do được người quen giới thiệu về Cường nên ngày 10-5-2022 bị cáo cùng bạn là Long ra quán ăn để “giao lưu” với Cường và Thắng.
Trong lúc “giao lưu”, ông Cường nói có làm bên tàu sông nhưng đang bị tạm giữ hành chính, nhờ bị Hưng tư vấn thủ tục để sớm lấy tàu ra. Ông Hưng cho rằng lĩnh vực này mình không biết nên không tư vấn, hứa hẹn gì.
Theo ông Hưng, do có lịch họp ở cơ quan nên Hưng ra về trước, việc ông Long chở ông Cường và ông Thắng đến C08 thì ông Hưng không biết.
Về số tiền 1 tỉ đồng nhận từ ông Cường (2 lần, lần đầu 400 triệu đồng) bị cáo Hưng cho rằng do việc làm ăn bên ngoài khó khăn nên Hưng ngỏ lời vay và được ông Cường đồng ý.
Ông Hưng cho rằng đây chỉ là việc giao dịch dân sự.
Theo cáo trạng, sau khi các tàu hút do ông Chinh quản lý, điều hành bị bắt, ông Chinh nhờ ông Thắng tìm người có khả năng lo lót, xin cho các tàu này không bị tịch thu mà chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Ông Thắng nhờ Bùi Văn Cường giúp. Ông Cường liên hệ với Trịnh Văn Hưng (cựu cán bộ Cục Hậu cần, Bộ Công an) nhờ giúp. Hưng đồng ý và báo chi phí “lo lót” là 3 tỉ đồng.
Ông Chinh thông qua tài khoản của Bùi Văn Bản (cháu ông Chinh) chuyển 3 tỉ đồng cho ông Thắng. Ông Thắng chuyển 500 triệu đồng cho ông Cường. Nhận tiền, ông Cường chuyển 400 triệu đồng cho ông Hưng, giữ lại 100 triệu đồng.
Tuy nhiên đến ngày 27-5-2022, hai ông Thắng và Chinh vẫn bị Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam nên ông Hưng đã chuyển trả 400 triệu đồng cho ông Cường.