Chiều 5-8, sau 14 ngày xét xử và nghị án, Tòa án nhân dân Hà Nội đã đưa ra phán quyết với cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 người khác trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Trịnh Văn Quyết bị tòa tuyên phạt 3 năm tù về tội thao túng thị trường chứng khoán và 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng mức hình phạt tòa tuyên đối với ông Quyết là 21 năm tù.
Bị hại của ông Trịnh Văn Quyết được bồi thường hơn 7.200 đồng một cổ phiếu
Về dân sự hội đồng xét xử buộc các bị cáo bồi thường cho các nhà đầu tư dựa trên số tiền đã nâng khống của mỗi cổ phiếu đã bán ra thị trường nhân với số cổ phiếu họ còn nắm giữ.
Theo hội đồng xét xử, tại thời điểm phát hành 430 triệu cổ phiếu ROS, mệnh giá cổ phiếu ROS được chào bán trên thị trường khi đó là 10.000 đồng. Do đó trên mỗi cổ phiếu, các bị cáo đã nâng khống hơn 7.200 đồng.
“Các bị cáo sẽ phải đền bù hơn 7.200 đồng cho mỗi cổ phiếu bán cho bị hại, nhân với khối lượng cổ phiếu bị hại đang sở hữu”, tòa cho hay.
Sau khi phát hành 430 triệu cổ phiếu, Công ty Faros có thêm hai lần nâng vốn với tổng số hơn 5.600 tỉ đồng, dưới hình thức phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức.
Những lần tăng vốn này đều là hệ quả từ việc nâng vốn khống trước đó, nên các bị cáo cũng phải bồi thường cho cả những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ở giai đoạn sau.
Tuy nhiên, tòa sơ thẩm xác định hai lần tăng vốn trên không phải là nâng khống, do đó số vốn thực của Công ty Faros tăng lên hơn 2.500 tỉ đồng, số vốn khống là hơn 3.100 tỉ đồng.
Chia theo mỗi cổ phiếu đã phát hành (10.000 đồng), hội đồng xét xử tính toán giá trị bị nâng khống là hơn 5.400 đồng/cổ phiếu.
Theo cách tính toán ở trên, tòa buộc các bị cáo Trịnh Văn Quyết và Trịnh Thị Minh Huế (em gái bị cáo Quyết) liên đới bồi thường hơn 1.700 tỉ đồng đối với hành vi lừa đảo.
Với hành vi thao túng chứng khoán, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng phải liên đới truy nộp hơn 680 tỉ đồng. Hiện, các bị cáo đã nộp khắc phục hơn 264 tỉ đồng.
Các bị cáo khác giữ vai trò thấp hơn, phần lớn không hưởng lợi, làm theo chỉ đạo của Quyết, Huế và đã nộp lại tiền hoặc cổ phiếu được chia, tài sản đang bị phong tỏa thi hành án, vì vậy HĐXX không buộc bồi thường.
Tiền các bị cáo đã nộp (tổng hơn 264 tỷ đồng) được trừ vào tiền các bị cáo còn phải bồi thường.
Nhà đầu tư chưa yêu cầu bồi thường được quyền tiếp tục yêu cầu trong một vụ án dân sự khác
Theo hội đòng xét xử, quá trình giải quyết vụ án, đến nay có 85 nhà đầu tư có đơn gửi đến tòa và cho biết đã được gia đình ông Quyết bồi thường thiệt hại.
“Với những nhà đầu tư hiện chưa có yêu cầu bồi thường, họ được quyền tiếp tục yêu cầu sau khi phiên tòa kết thúc, trong một vụ án dân sự khác”, bản án nêu.
Riêng với những nhà đầu tư đã mua cổ phiếu bị nâng khống và bán cho người tiếp theo (chuyển phần giá trị nâng khống cho người khác) có quyền tự thỏa thuận về việc hoàn trả giá trị bị nâng khống, nếu các bên phát sinh tranh chấp thì giải quyết bằng vụ án dân sự khác.
Riêng về các tài sản bị kê biên, phong tỏa, hội đồng xét xử đề nghị tiếp tục duy trì biện pháp ngăn chặn để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.
Bản án sơ thẩm đánh giá ông Quyết là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng được ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ như đã có sự đóng góp vào phát triển kinh tế tại một số địa phương, tạo hàng ngàn công ăn việc làm cho người lao động, được một số địa phương, nhiều người có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.