Cựu lãnh đạo Công ty Coma 18 hầu tòa vì chuyển nhượng dự án trái quy định cho ông Lê Thanh Thản

Cựu tổng giám đốc Coma 18 Lê Huy Lân (áo xanh) cùng các bị cáo bị xét xử với cáo buộc chuyển nhượng dự án trái quy định cho doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản – Ảnh: GIANG LONG

Sau 2 lần hoãn xét xử, ngày 9-8, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm vụ án liên quan cựu lãnh đạo Công ty cổ phần Coma 18, chuyển nhượng trái quy định dự án VP6 Linh Đàm cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên của ông Lê Thanh Thản.

Hai bị cáo Lê Huy Lân (62 tuổi, cựu tổng giám đốc Công ty cổ phần Coma 18) và Nguyễn Xuân Phong (56 tuổi, cựu phó tổng giám đốc) cùng bị xét xử về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Bị cáo Lê Văn Khương (69 tuổi, cựu chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Cơ khí xây dựng – Coma) bị xét xử về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đại diện Thanh tra thành phố Hà Nội, Chi cục Thuế quận Hoàng Mai và đại diện Coma có mặt tham dự phiên tòa theo triệu tập.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cùng đại diện Coma 18 có đơn xin vắng mặt tại tất cả những ngày còn lại của phiên tòa.

Theo cáo trạng, tháng 6-1994, Công ty Phát triển nhà và đô thị thuộc Bộ Xây dựng (nay là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị – HUD) được giao làm chủ đầu tư dự án khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm. Trong đó lô đất VP6 Linh Đàm, diện tích hơn 2.600m2 là tòa nhà thương mại dịch vụ và văn phòng cho thuê, sau đó bổ sung hạng mục nhà ở.

Đến năm 2013, Coma 18 không thể hoàn thành được dự án VP6 Linh Đàm nên ông Lân xin ý kiến Tổng công ty Coma chuyển nhượng dự án.

Ông Lê Văn Khương và các thành viên trong hội đồng thành viên của Coma chấp thuận cho Coma 18 được chuyển nhượng dự án VP6 Linh Đàm hoặc hợp tác kinh doanh.

Công ty Coma 18 và doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với nội dung “công ty của ông Lê Thanh Thản góp 95% tổng mức đầu tư dự án, tương đương hơn 12,3 tỉ đồng và được hưởng 100% kết quả kinh doanh dự án VP6 Linh Đàm”.

Tuy nhiên, theo cáo trạng, dự án này được doanh nghiệp của đại gia Lê Thanh Thản xây dựng dự án sai quy hoạch được phê duyệt, tăng từ 25 tầng lên 37 tầng (từ 138 lên 840 căn hộ, tăng 702 căn) và tăng 630m2 đất xây dựng.

Đến tháng 4-2015, tòa nhà VP6 Linh Đàm được đưa vào sử dụng và bán hết căn hộ cho người dân.

Sở Tài nguyên và Môi trường kết luận việc cố ý chuyển nhượng dự án VP6 Linh Đàm khi dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng đã gây thiệt hại cho Nhà nước 64,3 tỉ đồng.

Doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản đã nộp thay Coma 18 tổng 64 tỉ đồng.

Theo cáo trạng, ông Lân ban đầu khai biết dự án VP6 Linh Đàm không được phép chuyển nhượng. Sau đó ông thay đổi lời khai, cho rằng Coma 18 không chuyển nhượng dự án mà chỉ ký hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Tuy nhiên, viện kiểm sát cho rằng theo quy định pháp luật, nếu ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng nhà ở thì chủ đầu tư chỉ được chia cho phía góp vốn tối đa 20% số lượng nhà ở trong mỗi dự án.

Hợp đồng Coma 18 ký với doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản lại để cho doanh nghiệp này góp vốn 95% và hưởng 100% sản phẩm. Viện kiểm sát cáo buộc bản chất hợp đồng hợp tác kinh doanh bị can Lân ký với Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên là chuyển nhượng dự án trái quy định.

Ông Lê Thanh Thản khai không thỏa thuận, tác động chuyển nhượng dự án

Cũng theo cáo trạng, ông Lê Thanh Thản khai không thỏa thuận với ông Lân, không thúc đẩy hay tác động để Coma 18 chuyển giao dự án. Việc ký hợp tác kinh doanh là do ông Lân chủ động liên hệ với doanh nghiệp của ông Thản.

Do đó, cơ quan tố tụng đánh giá không có cơ sở cáo buộc ông Lê Thanh Thản đồng phạm với ông Lân trong việc chuyển nhượng dự án và tách tài liệu để tiếp tục điều tra sau.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *