Đây là thông tin bà Trần Thị Trang, vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), chia sẻ tại hội nghị Quản lý bệnh viện trong thời kỳ mới do Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tổ chức ngày 24-9.
Giấy chuyển tuyến, hẹn tái khám tích hợp trên VNeID
Tại hội nghị, bà Trang cho hay chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế là vấn đề được quan tâm hiện nay. Trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), bên cạnh tích hợp thẻ BHYT lên VNeID, từ 1-7, giấy chuyển tuyến, hẹn tái khám cũng được thí điểm tích hợp lên VNeID. Theo đó, khi người bệnh chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT, tái khám có thể xuất trình các giấy tờ này trên VNeID.
Theo đánh giá của Vụ BHYT việc “số hóa” giấy chuyển tuyến, giấy hẹn tái khám đã đạt được kết quả.
Cụ thể, trong 2 tháng đã có gần 1 triệu giấy chuyển tuyến BHYT và hơn 2.629.000 giấy hẹn khám lại điện tử được gửi lên cổng tiếp nhận.
Chỉ tính riêng trong tháng 8-2024 đã có 441.285 giấy chuyển tuyến BHYT và 1.311.122 giấy hẹn khám lại được gửi lên cổng tiếp nhận. Bước đầu, để tránh làm xáo trộn, tạm thời giai đoạn thí điểm cho phép áp dụng đồng thời cả 2 hình thức bản giấy và bản điện tử giấy chuyển tuyến BHYT và giấy hẹn khám lại khi tiếp nhận người bệnh.
“Việc tích hợp giấy chuyển tuyến, hẹn tái khám BHYT lên VNeID sẽ tạo kho dữ liệu tập trung, phục vụ phân tích, thống kê, kịp thời điều chỉnh chính sách BHYT sát với thực tế.
“Điều này cũng giúp công khai, minh bạch trong công tác chuyển tuyến, hẹn tái khám. Hạn chế các hành vi gian lận, giả mạo trong công tác chuyển tuyến, tái khám.
Đặc biệt, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển tuyến, tái khám”, bà Trang nói.
Quá trình đồng bộ dữ liệu còn chậm
Theo bà Trang, việc tích hợp thông tin còn một số hạn chế nhất định, do hạ tầng công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam có thể chưa đáp ứng được khả năng đồng bộ kịp thời dữ liệu giấy chuyển tuyến BHYT sang cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì vậy, trong quá trình đồng bộ có thể có độ trễ nhất định, trong khi vấn đề chuyển tuyến cần phải kịp thời.
Vụ BHYT cũng đề xuất cổng tiếp nhận ưu tiên năng lực xử lý để đồng bộ dữ liệu giấy chuyển tuyến trước để đảm bảo tính kịp thời. Dữ liệu giấy hẹn khám lại sẽ được đồng bộ lúc hệ thống không bị quá tải (ban đêm).
Bên cạnh đó, mẫu giấy chuyển tuyến BHYT và giấy hẹn khám lại theo quy định hiện nay cần có 2 chữ ký của bác sĩ khám, điều trị và chữ ký của đại diện cơ sở khám chữa bệnh. Điều này có thể gây hạn chế, khó khăn khi phải xin nhiều chữ ký, mất thời gian.
“Vì vậy, chúng tôi đề xuất giải pháp tạm thời cho phép người ký số là người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh, hoặc người được người đứng đầu ủy quyền ký giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT, hoặc giấy hẹn khám lại (tương ứng với ký bản giấy), chưa yêu cầu chữ ký số của bác sĩ khám, điều trị
Chia sẻ tại hội nghị, bà Đào Hồng Lan, bộ trưởng Bộ Y tế, cho hay những thách thức đặt ra trong tình hình mới khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thời kỳ “kỷ nguyên số” đang diễn ra hết sức mạnh mẽ trong các ngành, lĩnh vực.
Điều này cũng đòi hỏi ngành y tế phải có những giải pháp thích ứng hết sức cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ nâng cao, chăm sóc sức khỏe người dân.
“Thời gian tới, ngành y tế cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong triển khai thực hiện các quy trình khám, chữa bệnh; thanh toán không dùng tiền mặt; khám, chữa bệnh từ xa. Đồng thời, rà soát giảm thiểu các thủ tục hành chính gây phiền hà đối với người bệnh”, bà Lan cho hay.