Đại biểu Quốc hội: Dạy thêm học thêm cũng có mặt tích cực, cần xem xét thấu đáo khi cấm

Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) – Ảnh: GIA HÂN

Sáng 20-11, trong Ngày Nhà giáo Việt Nam, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Dự luật lần đầu tiên được đưa ra Quốc hội xem xét, thảo luận.

Có phụ huynh cho con học thêm để yên tâm làm việc

Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) bày tỏ sự đồng tình cao và đánh giá Luật Nhà giáo được xây dựng và ban hành hết sức cần thiết, phù hợp với thực tiễn cũng như chủ trương của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay, có thể phân cấp quản lý cũng như tháo gỡ khó khăn cho ngành giáo dục.

Góp ý quy định cụ thể, ông Khánh cho biết các hành vi bị nghiêm cấm trong dự luật có ghi “ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, nộp các khoản tiền ngoài quy định của pháp luật…”.

Theo ông Khánh, nội dung này còn nhiều ý kiến tranh luận của đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân. Trong đó mọi người chia thành hai quan điểm chính, một ủng hộ việc cho dạy thêm, xem đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hướng khác ngược lại cho rằng cần cấm dạy thêm học thêm.

Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi Luật Nhà giáo được thông qua, cần phối hợp với các bộ, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành thông tư hướng dẫn xem xét thấu đáo việc này.

Bởi theo ông Khánh: “Thực ra việc dạy thêm học thêm cũng có những mặt tích cực, không phải giáo viên nào cũng xấu, ép học sinh học thêm, có những phụ huynh học sinh vì lý do công việc không thể đón con về buổi trưa để chăm sóc, hay làm tăng ca không thể đón con sớm nên họ nhờ thầy, cô giáo đón con về chăm sóc dạy dỗ để cha mẹ an tâm làm việc. Cần tránh tình trạng không quản được thì cấm” như Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu”.

Cần nhìn nhận thấu đáo về học thêm, dạy thêm

Đại biểu Quốc hội: Dạy thêm học thêm cũng có mặt tích cực, cần xem xét thấu đáo khi cấm - Ảnh 2.

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy – Ảnh: GIA HÂN

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) đồng tình với phát biểu của đại biểu Khánh về việc học thêm.

Theo bà Thủy: “Cần nhìn nhận thấu đáo về dạy thêm, học thêm để quy định cho phù hợp, bởi thực tế dạy thêm là nhu cầu có thực của giáo viên và học sinh, nhất là ở đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển thì các cháu càng được các gia đình đầu tư học tập”.

Nữ đại biểu cho rằng không chỉ các cháu học tập chưa tốt mới đi học thêm mà học sinh có năng lực học tập tốt cũng có nhu cầu học thêm nhằm nâng cao kiến thức, nhất là các cháu có nguyện vọng thi vào các trường chuyên, học sinh giỏi các cấp, thi vào đại học top đầu. Nhu cầu tìm đến các thầy cô giỏi để học thêm là luôn luôn có thật.

“Việc cho rằng tăng lương và các chế độ chính sách cho giáo viên đã giải quyết vấn đề dạy thêm, theo tôi vẫn còn chủ quan và chưa thực sự phù hợp với thực tế cuộc sống”, bà Thủy nêu.

Về chế độ chính sách với nhà giáo, bà Thủy thống nhất với chủ trương cần phải xem “giáo dục là quốc sách trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước” nên việc chăm lo chế độ, chính sách, tôn vinh đội ngũ làm công tác làm giáo dục cần được chú trọng.

Thời gian qua, một số chính sách hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho sinh viên sư phạm đã phát huy tác dụng, thu hút nhiều học sinh giỏi thi vào ngành sư phạm. Chất lượng đầu vào ngành sư phạm ngày càng tăng, mức độ cạnh tranh vào ngành sư phạm cũng rất khốc liệt.

“Trong những mùa tuyển sinh gần đây đã hết cái thời chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm. Đầu vào ngành sư phạm thời gian qua đã ngày càng tốt hơn thì theo tôi vấn đề là đầu ra”, đại biểu nói và đề nghị phải có chính sách để thầy cô ra trường có được công việc, sống được bằng nghề, theo được đam mê nghề nghiệp sẽ ngày càng thu hút được nhân tài.

Bổ sung nhà giáo không được truyền đạt những kiến thức mà mình không hiểu rõ

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng thời gian gần đây, đôi lúc xảy ra việc phụ huynh hành hung giáo viên hoặc học sinh xúc phạm thầy cô làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy, ảnh hưởng đến truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Vì vậy ông đề nghị bổ sung quy định những điều phụ huynh, học sinh không được làm đối với nhà giáo. Khi thầy cô vượt quá giới hạn cho phép, phụ huynh và người học cũng không được giải quyết mâu thuẫn trực tiếp với nhà giáo mà phải thông qua nhà trường, ban đại diện phụ huynh, cơ quan nhà nước.

Ông Cảnh cũng đề nghị bổ sung quy định một nội dung nhà giáo không được truyền đạt những kiến thức mà mình không hiểu rõ. Để thầy cô không vi phạm lỗi này cũng cần bổ sung vào dự luật về quyền của nhà giáo là được từ chối giảng dạy những nội dung chưa được giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *