Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết từ nay, cái tên Đại học Kinh tế quốc dân sẽ thay thế cho Trường đại học Kinh tế quốc dân. Sự khác biệt chỉ ở chỗ bớt đi một từ đầu tiên trong cái tên, nhưng mở đường cho chữ “đại” lên đầu và giúp trường hướng tới “cái đại” trên mọi phương diện.
Theo bộ trưởng, mô hình đại học là mô hình quản trị nội bộ hướng tới phát triển đa ngành, vậy nên trong định hướng phát triển thời gian tới, Đại học Kinh tế quốc dân cần hướng tới cơ cấu đa ngành một cách hợp lý, đa ngành nhưng vẫn phát huy được lợi thế, sở trường và sức mạnh truyền thống.
Đại học Kinh tế quốc dân cần đứng vững trên thế mạnh truyền thống, sở trường và đặc sắc, mở rộng theo hướng các ngành có liên quan và hỗ trợ nhau thành hệ thống, đa ngành một cách hợp lý nhất trên cơ sở vẫn giữ được bản sắc và uy tín.
“Đa ngành không có nghĩa là tất cả những gì người khác làm thì mình cũng làm. Không nên xa rời mục tiêu và sứ mệnh chính của mình. Bản sắc và thương hiệu của nhà trường cần nối tiếp và phát huy trong mô hình tổ chức và quản trị mới”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Đại học Kinh tế quốc dân được thành lập tháng 1-1956. Hiện tại, trường có 88 ngành ở trình độ đại học, 70 ngành sau đại học.
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Phạm Hồng Chương – giám đốc Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, Đại học Kinh tế quốc dân đã từng bước khẳng định vị thế và uy tín của mình như một trung tâm nghiên cứu, đào tạo hàng đầu về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh tại Việt Nam.
Với việc thành lập 3 trường, gồm Trường Kinh tế và Quản lý công, Trường Kinh doanh, Trường Công nghệ, Đại học Kinh tế quốc dân có bước chuyển biến lớn, thể hiện tầm nhìn chiến lược, trở thành đại học thông minh, đa ngành, đa lĩnh vực.
Theo ông Chương, hướng tới giai đoạn mới, trên tinh thần phát huy những giá trị cốt lõi, nhà trường tiếp tục tập trung phát triển toàn diện trên các mặt giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Các chương trình đào tạo mới sẽ tiếp tục được triển khai, đảm bảo tính tiên tiến, bắt nhịp xu hướng quốc tế hóa và phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
“Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nhà trường ý thức rõ vai trò tiên phong của mình trong việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới vào giảng dạy và quản lý. Từ việc áp dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn đến việc phát triển các mô hình học tập trực tuyến, chúng tôi không ngừng đổi mới để mang lại những trải nghiệm học tập tốt nhất cho sinh viên. Điều này không chỉ giúp sinh viên nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”, ông Chương nhấn mạnh.