Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, anh Trần Hữu Phú (sinh năm 1995, hiện là giáo viên dạy mỹ thuật tại Bến Tre) xác nhận anh chính là chú rể trong đám cưới này.
Trong đám cưới của anh Phú, hoa được cắm theo kiểu đuôi công, thiệp cưới được thiết kế theo phong cách xưa, mâm trái cây đậm chất Nam Bộ, cổng cưới đúng kiểu hồi đó… Trang điểm cô dâu cũng được anh “đặt hàng” thợ cách trang điểm theo kiểu xưa. Anh còn tự tay viết câu đối trên vải đỏ treo tại nhà cho đẹp mắt.
Anh cho biết ngày nhỏ anh sống cùng ông nội là nhà Nho, dạy chữ Nho nên mê mẩn các lễ nghi thời đó. Anh còn được ông nội kể về đám cưới của ông cố, ông nội thời xưa. Khi ấy, chú rể, cô dâu bận áo dài rộng gọi là áo tấc, cô dâu đội nón cụ quai cung,…
“Từ năm 6 – 7 tuổi, tôi đã ấp ủ làm đám cưới như lời kể của ông nội. Thấm thoát hơn 20 năm, duyên trời định cho tôi gặp được người bạn đời cũng yêu thích văn hóa thời xưa. Vì thế tôi muốn tổ chức đám cưới để giữ gìn văn hóa truyền thống của ông bà hồi xưa để lại”, anh chia sẻ.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Anh Phú cho biết anh và vợ đã chuẩn bị đám cưới hơn một năm rưỡi từ trang phục, nhà cửa, đặc biệt là kiến thức về người Nam Bộ thời xưa.
“Tôi thiết kế một bản vẽ về đám cưới trong mơ. Với đội bưng quả, tôi cũng lập nhóm để các bạn làm quen, trò chuyện với nhau trước. Sau đó tôi nói để các bạn hiểu rõ hơn về đám cưới thời xưa từ cách đi đứng phải khoan thai thế nào, thứ tự ra sao… Rất may mắn ai cũng ủng hộ”, anh nói.
Anh còn mượn được một chiếc nón quai cung có tuổi đời trên 100 năm của một nhà sưu tầm cho vợ đội trong đám cưới. Sau đó anh còn dặn dò khách mời nhớ diện áo dài xưa khi đến dự.
“Ban đầu tôi lo lắng lắm, không biết mình có làm ra hồn, ra vía gì không? Mọi người đi đám có thích không, có phàn nàn không? Ông bà xưa có câu: Trời không phụ lòng người. Khách mời rất thích thú. Họ thuê trang phục đi dự rồi chụp ảnh check-in. Gia đình bên vợ cũng rất thích đám cưới này. Về mâm cỗ, nhà tôi không bị dư một bàn nào cả”, anh hào hứng kể.
Tốn kém nhiều đấy nhưng vui!
Chị Nguyễn Thị Ngọc Trang (sinh năm 2002, vợ anh Phú) cho biết đám cưới xưa tốn kém hơn đám cưới hiện đại. Tuy nhiên, hai vợ chồng làm theo khả năng, có sự chuẩn bị từ trước và được anh em, bạn bè ủng hộ. Nhiều người còn phụ trưng bông, làm cổng… không lấy tiền, với mong muốn lan tỏa đám cưới đúng kiểu Nam Bộ xưa cho nhiều người biết tới.
Trước đó, hai vợ chồng cũng bàn tổ chức một đám cưới theo kiểu hiện đại. Chồng Trang ao ước tổ chức một đám cưới với không gian, bối cảnh xưa tại nhà anh.
“Tôi nghe vậy đồng ý ngay vì cũng mong con cháu tương lai có cái để xem và hoài niệm. Cả hai mong muốn đám cưới này sẽ mang lại giá trị văn hóa cho mọi người thấy được ông bà ngày xưa thế nào, góp một phần nhỏ bé vào việc bảo tồn văn hóa Nam Bộ xưa, đặc biệt là lễ cưới ngày xưa đang bị mai một”, Trang nói.
Đôi trẻ kết duyên cũng thông qua tình yêu văn hóa xưa. Anh Phú đi đám tiệc, tình cờ gặp chị Trang rồi… thích thích, xin số điện thoại tìm hiểu. Sau đó cả hai mới biết được sở thích của nhau. Anh vô cùng bất ngờ khi cô gái trẻ cũng biết về chữ Hán, thích đi chùa, trồng hoa, thờ cúng tổ tiên, để tóc dài, mặc đồ bà ba… nên mong muốn tiến tới.
“Khi tìm hiểu về văn hóa, đặc biệt là văn hóa Nam Bộ, chúng tôi thấy yêu thích cuộc sống này hơn. Chúng tôi biết sống tình cảm, tình nghĩa, có lòng hiếu thảo với cha mẹ, giữ gìn văn hóa, truyền thống, xây dựng cuộc sống tốt hơn”, cô nói.