Một bài chia sẻ trong hội nhóm gia đình đã thu hút sự chú ý khi đưa ra quan điểm rằng cách nghĩ “ô tô là tiêu sản” chưa thỏa đáng.
Ô tô không phải tiêu sản?
Theo bài chia sẻ, có 4 lý do để khẳng định ô tô không phải tiêu sản.
Đầu tiên, ô tô bảo vệ sức khỏe và tính mạng của bản thân và gia đình. Theo người này, “đây là giá trị quan trọng nhất, không đồng tiền nào đo đếm được”.
Thứ hai, ô tô xây dựng giá trị và uy tín cho bản thân trong công việc. Người mua ô tô cả tỉ đặt bút ký hợp đồng vài trăm triệu, thậm chí tiền tỉ. Hay nói cách khác, ô tô có sinh lời dưới hình thức gián tiếp.
Thứ ba, ô tô nhiều tiện nghi hơn xe máy, đặc biệt phù hợp với những người có gia đình, dù là đi xa hay đi gần đều hữu dụng, đặc biệt trong những ngày nắng to, mưa lớn, đường ngập, ô nhiễm bụi mịn.
Để chứng minh cho lập luận này, người chia sẻ lấy ví dụ dòng xe phổ biến là xe hạng B với đại diện tiêu biểu như Toyota Vios, Honda City, Hyundai Accent.
“Giá lăn bánh khoảng hơn 600 triệu, sau 5 năm bán lại được hơn 400 triệu đồng. Lỗ khoảng 200 triệu, tính theo toán học cơ bản. Ai biết mua xe lướt có thể thu hẹp được con số này kha khá nữa.
Nhưng giá trị sức khỏe + giá trị tài sản trực tiếp + giá trị tinh thần trong 5 năm sử dụng mình nghĩ lãi hơn nhiều so với con số 200 triệu, rất nhiều”, bài chia sẻ viết.
Ngoài 3 luận điểm trên, người này còn thêm một giá trị khác của việc mua xe ô tô là “giá trị động lực”.
“Khi vừa mua con xe đầu tiên, mình đã nghĩ tới việc mua tiếp con xe thứ 2 xịn hơn, hoặc sau một thời gian sẽ đổi bù con xe đầu tiên để vợ con tiện nghi hơn.
Khi có mục tiêu để thúc đẩy, mình có nhiều động lực để cố gắng hơn. Tuy chưa đạt được mục đích, nhưng mình tự thấy bản thân đã có sự phát triển hơn, kỷ luật hơn, chăm chỉ hơn. Bớt được sự chây ì và lười biếng, cũng là một loại tích cực”, người này kết luận.
Cộng đồng mạng nói gì?
Bài chia sẻ trên đã thu hút hàng trăm lượt bình luận trên cộng đồng mạng. Một số đồng tình, số khác lại cho rằng người chia sẻ nghĩ quá đơn giản.
– Đã mua và thấy xe phục vụ công việc và sức khỏe mình rất tốt và tiện lợi. Không có gì đắn đo cả.
– Đồng quan điểm. Nhà tôi quyết luôn 2 vợ chồng 2 xe. Càng dùng càng thấy tiện lợi và giá trị xe đem lại. Đưa đón con cái học hành cũng tiện lợi.
– Với tôi, con người là tài sản, mọi thứ khác đều là tiêu sản. Nhà còn có thể bán nữa là cái xe. Mà nếu không hợp ý mình thì bán lỗ là bình thường, còn nếu vừa ý thì cứ dùng đến bao giờ chán thì thôi. Cái xe bảo vệ mình nên cần thiết, nếu dồn toàn bộ tiền cho cái nhà thì không, mình để lại một khoản để mua xe, nhà có thể mua nhỏ đi chút cũng được.
– Trong trường hợp quá dư giả thôi, khi tài sản đủ nuôi tiêu sản thì OK. Chứ không tôi sẽ không bao giờ mua ô tô. Xe mãi là tiêu sản (nếu không mang lại lợi ích tài chính lớn hơn khấu hao).
– Bản thân người viết còn không hiểu “tiêu sản” nghĩa là gì kia. Ô tô mua ra không đi sau 2 năm có bán được giá như xe mới không? Mua xe về có cần tiêu thêm tiền đẻ nuôi không? Đó là ý nghĩa của “tiêu sản” đấy. Còn khi tiền nuôi ô tô nhiều hơn tiền nuôi của cả nhà thì có động lực nào không? Có giá trị nào? Bảo vệ cái gì?
– Mua xe mới 5 năm rồi bán thì quá OK, nhưng sau 5 năm trở đi hoặc mua xe cũ thì thôi xin phép chưa có điều kiện thì đừng cố mua làm gì. Nói thật mua cái ô tô mà lăn đùng ra hỏng là đi sửa bay cái xe máy lúc nào không hay. Nên là nếu thực sự cần thiết thì hãy tính đến chuyện mua ô tô. Mình đứng trên quan điểm của thợ sửa chữa nên nói vậy thôi.
– Chừng nào còn gồng trả tiền tháng được thì muốn gọi gì thì gọi, hoa thơm trái ngọt thi vị cuộc đời. Đứt ngang một cái như đợt COVID-19 thì gánh cái xe lúc đó thấy tỉnh ra liền.
– Chia sẻ với bạn chi phí ngắn gọn 1 tháng đi làm, 1 ngày đi về quê như sau: Tiền xăng 1 tháng 4tr, do đi đường thành phố, kẹt đường; Tiền trạm thu phí 1 triệu; Gửi xe ô tô tầm 2 triệu; Va quẹt, chi phí bảo dưỡng, độ chế 2 triệu (cái này ai tính thì tùy). Như vậy trung bình 7 triệu/tháng. Nếu không sống ở thành phố lớn thì chỉ mất tầm 1 triệu tiền xăng thôi.
– Mình không coi ô tô là tài sản, cũng chẳng phải tiêu sản. Bản thân mình không dùng ô tô để làm ăn, mà chỉ phục vụ đúng một mục đích là giải quyết nhu cầu đi lại.