Đặt hàng 2 hôm đã có ‘shipper dỏm’ gọi, dù đơn mới thông quan

Rất nhiều bạn đọc cho rằng từng bị các ‘shipper dỏm’ gọi điện để giao hàng dù không đặt đơn – Ảnh minh họa: C.T.

Bạn đọc Nguyễn Thị Kim Yên chia sẻ cô cũng từng bị hối chuyển khoản cho “shipper” vì người này nói hàng đã để vào nhà. Nhưng thực sự khi cô về đến nhà thì không thấy có gói hàng. Từ đó, Kim Yên nhận ra “tốt nhất hàng trao cháo múc, tin quá thành mình bị hại”.

Chung kịch bản lừa, thắc mắc ‘shipper dỏm’ làm sao biết thông tin đơn hàng

Bài viết “Bị ‘shipper’ mắng xối xả, lừa chuyển khoản để nhận hàng dù không đặt” trên Tuổi Trẻ Online ngay khi vừa đăng tải đã liền nhận được nhiều bình luận của bạn đọc.

Trong số các ý kiến phản hồi, có nhiều ý kiến cho rằng họ từng là nạn nhân của hình thức lừa đảo này. Rất nhiều người không đặt mua đơn hàng trực tuyến, nhưng đột nhiên có số lạ gọi đến, xưng là người giao hàng, đọc đúng tên tuổi, địa chỉ rồi yêu cầu chuyển khoản thanh toán.

Bạn đọc Nguyễn Thanh Vân kể dù không đặt bất kỳ đơn hàng nào nhưng cũng từng bị “shipper dỏm” gọi để giao hàng, đã đặt kiện hàng ở nhà rồi kêu chuyển khoản.

Đặc biệt hơn là khi “shipper dỏm” biết Vân không ở nhà thì liền tìm đến địa chỉ nhà, yêu cầu bố mẹ, người thân trong nhà nhận hàng và thanh toán giúp.

Đây cũng là tình huống mà bạn đọc buiq****@gmail.com từng trải qua.

Đỉnh điểm là câu chuyện của bạn đọc Huỳnh Quốc Vương. Khi người này vừa đặt hàng 2 ngày trước thì ngay lập tức có số điện thoại lạ gọi đến, xưng là shipper “hỏi có nhà không để mang hàng lại”.

Được trả lời đang đi làm, quay lại giao sau giờ làm thì “shipper” trả treo đang ở gần nhà nên tiện đường. “Người đó bảo nếu không có người ở nhà thì bỏ hàng vào nhà, yêu cầu tôi chuyển khoản”, bạn đọc Huỳnh Quốc Vương thuật lại chiêu trò của “shipper dỏm”.

Vì nghi ngờ, Huỳnh Quốc Vương đã kiểm tra trên ứng dụng thì biết đơn hàng chỉ mới thông quan (đơn mua từ quốc tế – PV), chưa về kho phân loại vùng.

Điều mà bạn đọc Huỳnh Quốc Vương thắc mắc: “Sao họ lại biết chính xác đơn hàng, giá tiền?”.

Đặt hàng 2 hôm đã có 'shipper dỏm' gọi, dù đơn mới thông quan - Ảnh 3.

“Hàng trao thì cháo múc” là cách mà nhiều bạn đọc nói đang áp dụng để tránh bị lừa khi đặt hàng online – Ảnh: C.T.

Không shipper thật nào lại mắng khách

Phỏng đoán mang tính lý giải phần nào cho những thắc mắc trên, bạn đọc có nickname Lão Già cho rằng chính một số shipper sau khi giao hàng, nắm được thông tin khách (từ tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại) thì đã tự thực hiện hành vi lừa đảo đó, hoặc bán lại cho những người chuyên lừa đảo.

Bạn đọc của Tuổi Trẻ Online có tên Green Field nói nguyên tắc bất di bất dịch là nhận hàng mới trả tiền. Không nên chuyển khoản trước khi hàng chưa nằm trên tay là cách tránh bị lừa.

Bạn đọc than***@thanhphuoc.com chia sẻ luôn mua hàng qua các sàn thương mại điện tử chính thống và thanh toán trước. Bạn đọc này hạn chế mua hàng qua các kênh bán hàng ở mạng xã hội, đặc biệt là các ki ốt bán hàng online yêu cầu đặt cọc, thanh toán trước.

“Tôi mua hàng luôn thông qua sàn thương mại điện tử và thanh toán trước, khỏi lo việc giao đến thu tiền đúng hay sai. Nhận hàng kiểm tra thấy hư hỏng hay không đúng thì thủ tục trả hàng hoàn tiền cũng dễ”, bạn đọc này viết.

Để đối đáp “cứng” với các “shipper dỏm”, bạn đọc Mr Khoi nói: “Hỏi người đó là có muốn ra công an không là đối phương chạy à. Đa phần thông tin mọi người bị lộ ra ngoài nên tụi lừa đảo hay dùng bài này lừa. Nhiều người hay mua hàng online thường không nhớ đơn là dính quả lừa ngay”.

Trong khi đó, bạn đọc Tùng chia sẻ mẹo, bởi không một shipper thực sự nào lại đi mắng khách hàng cả, trừ khi đó là kẻ mạo danh, lừa đảo. Phần lớn những người bị lừa là do tâm lý không nhớ có đặt hàng nên mới bị.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *