Đất mẹ níu chân các ông lớn bán dẫn

Bên trong một khâu sản xuất máy làm chip của ASML – Ảnh: ASML

ASML, người đứng sau những cỗ máy tạo ra các con chip tiên tiến hàng đầu thế giới, là một trường hợp như vậy. Tập đoàn này đang thu hút nhiều sự chú ý sau khi “chơi bài ngửa” với Chính phủ Hà Lan về việc ra đi hay ở lại quê hương của mình.

Từ câu chuyện lao động di cư chất lượng cao

ASML là công ty công nghệ lớn nhất châu Âu cũng như Hà Lan và là nhà cung cấp thiết bị hàng đầu để sản xuất chip trên toàn cầu. Đây cũng là tập đoàn duy nhất hiện nay có máy khắc quang học cực tím (EUV) dùng để sản xuất hàng loạt loại chip tiên tiến nhất thế giới.

Năm ngoái, Intel đã mua các máy EUV của ASML với đơn giá hơn 400 triệu USD/hệ thống để chế tạo các con chip có tiến trình dưới 2nm (con số dùng để diễn tả mật độ số bóng bán dẫn trên chip, tiến trình càng nhỏ thì càng nhiều bóng bán dẫn trên cùng một diện tích nên càng mạnh hơn – PV). 

Không chỉ Intel, nhiều ông lớn khác trong ngành sản xuất bán dẫn cũng phải “lụy” ASML, kể cả TSMC của Đài Loan.

Thế nhưng vào tháng 3 này, ASML đã gây sốc và buộc giới chức Hà Lan phải hành động sau khi giám đốc điều hành Peter Wennink công khai phàn nàn về các chính sách hiện tại, trong đó có kế hoạch của Hà Lan là không giảm thuế cho những người di cư có tay nghề, điều mà theo ASML sẽ khiến họ khó tuyển được những nhân sự quan trọng và chất lượng cao. 

Theo báo cáo của ASML công bố cuối năm 2023, công ty này đang sử dụng gần 40.000 người thuộc 144 quốc tịch khác nhau.

Trong số các phàn nàn với Chính phủ Hà Lan, ASML cũng cho biết chính quyền nước này đã không đầu tư đúng mức để cải thiện cơ sở hạ tầng ở khu vực Eindhoven, từ đường cao tốc, nhà ở đến lưới điện.

Để giữ chân gã khổng lồ này, tránh đi vào vết xe đổ của Shell hay Unilever cách đây vài năm, trong một tuyên bố ngày 28-3, Chính phủ Hà Lan cho biết sẽ có một số biện pháp để giảm bớt gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp, sau những lo ngại từ các công ty hàng đầu Hà Lan. Đồng thời, 2,5 tỉ euro sẽ được chi trong vài năm tới để cải thiện các điều kiện nhà ở, cơ sở giáo dục, giao thông và lưới điện tại trung tâm công nghệ Eindhoven, gần nơi ASML đặt trụ sở.

“Khi thực hiện các biện pháp này, chúng tôi tin rằng ASML sẽ tiếp tục đầu tư và duy trì trụ sở chính theo luật định, tài chính và thực tế của mình ở Hà Lan”, Chính phủ Hà Lan bày tỏ hy vọng.

Theo Hãng tin Reuters, phản ứng trước nỗ lực giữ chân của Chính phủ Hà Lan, ASML bày tỏ hoan nghênh nhưng cho biết họ vẫn đang trong quá trình quyết định nơi sẽ phát triển trong tương lai.

“Quyết định mà chúng tôi cần đưa ra không phải là liệu chúng tôi có ở lại Hà Lan hay không mà là chúng tôi sẽ phát triển ở đâu” – ASML nhấn mạnh trong tuyên bố gửi đến giới truyền thông.

Bài học cho nhiều nước

Những gì Hà Lan đang phải đối mặt và tìm cách giải quyết với ASML không chỉ là câu chuyện của riêng nước này mà còn là bài học kinh nghiệm cho nhiều nơi khác, kể cả những nơi đã phát triển mạnh về bán dẫn hay đang phát triển ngành công nghiệp này.

Nó cho thấy các lợi thế truyền thống có sẵn như đất đai, nguồn tài nguyên hay cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng ít hấp dẫn hơn trong mắt các doanh nghiệp. Để thu hút hay giữ chân các doanh nghiệp bán dẫn, lợi thế phải do chính chính phủ của nước đó tạo ra và liên tục đổi mới.

Mỹ đã thông qua Đạo luật CHIPS, trong đó chi hàng chục tỉ USD để trợ cấp các công ty của chính nước này mở rộng hoạt động sản xuất bán dẫn trong nước và thu hút đầu tư từ các nước khác. Intel được cho là sẽ nhận hơn 10 tỉ USD trợ cấp trong kế hoạch này. 

Năm ngoái Hàn Quốc cũng công bố chiến lược trở thành “siêu cường bán dẫn” với dự án xây dựng trung tâm sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới. Samsung đã cam kết đầu tư ít nhất 230 tỉ USD cho ý tưởng lớn này.

Câu chuyện của ASML cũng cho thấy một doanh nghiệp có thể chịu ảnh hưởng lớn từ các căng thẳng địa chính trị như thế nào trong bối cảnh hiện tại. Kể từ khi Mỹ quyết tâm giữ vững ưu thế công nghệ và ngăn chặn các đối thủ tiềm tàng vượt mặt, chẳng hạn như Trung Quốc, nhiều lệnh hạn chế và các biện pháp gây sức ép đã được tạo ra để ngăn chặn các công nghệ tiên tiến rơi vào tay Trung Quốc.

ASML cũng nằm trong các doanh nghiệp bị tác động. Báo cáo của tập đoàn công bố cuối tháng 1-2024 đã thừa nhận các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng tại Trung Quốc từ 10-15% vào năm 2024.

Quay trở lại Hà Lan, một cuộc khảo sát của Reuters với các công ty blue-chip (những công ty có giá trị vốn hóa lớn và tài chính vững chắc – PV) trong tháng này cho thấy hơn một chục công ty đang cân nhắc chuyển hoạt động ra khỏi nước này.

Câu hỏi đặt ra là chính phủ hiện tại và sắp tới của Hà Lan sẽ chấp nhận mức độ thỏa hiệp hay thay đổi như thế nào trước các yêu cầu của doanh nghiệp. Đó cũng là vấn đề mà những nước khác đã, đang và sẽ gặp phải trong hành trình thu hút, giữ chân các gã khổng lồ bán dẫn.

TSMC giữa thế lưỡng nan

TSMC, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới có trụ sở tại đảo Đài Loan, từ lâu cũng nằm trong các dẫn chứng cho việc căng thẳng địa chính trị sẽ tác động thế nào đến các kế hoạch sản xuất bán dẫn. Tập đoàn này vẫn tuyên bố sẽ bám trụ tại Đài Loan nhưng cũng đã bắt đầu chuyển hướng sản xuất sang các quốc gia khác, trong đó có Mỹ và Nhật Bản, khi căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan ngày càng tăng cấp.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *