Ngày 30-8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cùng đoàn công tác tham quan thực địa mô hình sản xuất lúa theo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang).
Dân chắc chắn làm tốt đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Ông Nguyễn Văn Dũng – nông dân ở xã Tân Hội – cho biết đây là lần đầu tiên ông tham gia thí điểm mô hình đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp ở địa phương.
Diện tích 3,3ha của gia đình, ông gieo sạ khoảng 7kg lúa giống Đài Thơm 8/công. Lúa của ông trồng được 45 ngày, nở bụi tốt, ít bị vàng lá, sâu bệnh.
“Lúa này tôi ước năng suất đạt khoảng 900kg lúa tươi/công. Doanh nghiệp hứa bao tiêu đầu ra sẽ cao hơn giá thị trường, không ép giá. Tôi và bà con rất mừng và chắc chắn sẽ làm tốt theo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao này”, ông Dũng vui vẻ nói.
Ông Nguyễn Văn Huỳnh – giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa – cho hay hợp tác xã có khoảng 695ha với 320 thành viên. Tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp, các thành viên trong hợp tác xã này làm thí điểm khoảng 50ha.
“Tôi và người dân rất mong bộ và các đơn vị liên quan, địa phương quan tâm xây dựng thương hiệu gạo cho địa phương và đặc biệt khơi thông kênh nội đồng để quản lý nước tốt, góp phần giảm phát thải, lúa đạt năng suất cao, nâng cao lợi nhuận”, ông Huỳnh nói.
Khơi thông thủy lợi nội đồng để dân quản lý nước trồng lúa
Ông Trần Thanh Nam – thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – khẳng định bà con nông dân hợp tác xã đã làm đúng quy trình sản xuất theo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Đây là thành công và cũng là bước ngoặt mới giúp người dân Kiên Giang sản xuất lúa giảm chi phí đầu vào.
Từ quy trình làm lúa trên, nông dân Kiên Giang sẽ chuyển đổi sang sản xuất mới có hiệu quả gắn liền với tiêu thụ. Qua đó bà con tự biết canh tác, tự liên kết và thực hiện quy trình sản xuất lúa chất lượng cao đạt hiệu quả.
Ông Nam mong rằng có hiệu quả, có bền vững rồi người dân tự tin làm, lợi nhuận tăng lên.
“Thủy lợi nội đồng địa phương cần đảm bảo cung mực nước đúng theo quy định. Tôi đề nghị các đơn vị liên quan xem xét bố trí ít vốn để làm thủy lợi giúp cho nông dân làm lúa chất lượng cao rồi nhân rộng ra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cần đúc kết kinh nghiệm, tập huấn, giúp người dân trồng lúa chất lượng cao hiệu quả, ổn định cuộc sống gia đình”, ông Nam nhấn mạnh.