Ngày 20-8, Tòa án nhân dân TP Cần Thơ tiếp tục xét xử vụ án “gây thiệt hại” của Agribank Cần Thơ hơn 291 tỉ đồng. Các bị cáo cùng bị truy tố tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Viện kiểm sát giữ quyền công tố giữ nguyên quan điểm và đề nghị các mức án cho các bị cáo.
Kiến nghị xem xét yếu tố hình sự hóa
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân – giám đốc Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam từ 10 đến 11 năm tù; Lê Thanh Hải – nguyên giám đốc Agribank Cần Thơ từ 8 đến 9 năm tù; Trần Huy Liệu – nguyên phó giám đốc Agribank Cần Thơ từ 7 đến 8 năm tù và Bùi Tuấn Anh – nguyên trưởng phòng tín dụng Agribank Cần Thơ từ 5 đến 6 năm tù.
Phạt bị cáo Phạm Tường Thi – giám đốc Công ty TNHH Tân Tiến bằng thời hạn tạm giam là 1 năm 2 tháng, 13 ngày tù; bị cáo Nguyễn Văn Đạt – nhân viên Công ty TNHH Tân Tiến phạt bằng thời hạn tạm giam là 1 năm 2 tháng 28 ngày tù. Buộc các bị cáo trả cho ngân hàng số tiền gốc, lãi phát sinh đến thời điểm hiện tại hơn 1.200 tỉ đồng.
Trình bày quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Đức – người bào chữa cho bị cáo Hải cho biết không đồng tình với cáo trạng quy kết. Luật sư Đức đề nghị tòa xem xét các yếu tố hình sự hóa quan hệ dân sự và những vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình điều tra, truy tố.
“Hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng ký kết với doanh nghiệp có thời gian là 10 năm, được ký vào năm 2012 nhưng thực hiện đến năm 2015 thì cơ quan công an vào rút hồ sơ và khởi tố vụ án. Trong hợp đồng cũng có điều khoản nếu bên vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì bên ngân hàng có quyền xử lý tài sản để thu hồi nợ.
Phía ngân hàng cũng đã khởi kiện ra tòa để xử lý tài sản nhưng không được chấp nhận, vì cơ quan điều tra đã phong tỏa tài sản.
Ngoài ra, vụ án được khởi tố từ năm 2015, nhưng sau đó từ các năm từ 2016 đến 2020 mới có tổng cộng 12 kết luận định giá tài sản để buộc tội các bị cáo. Vậy vấn đề đặt ra ở đây có phải là khởi tố trước rồi đi tìm chứng cứ sau hay không?”, luật sư Đức lập luận.
Ngoài ra, luật sư Đức còn đưa ra một số quan điểm và đề nghị tòa xem xét việc việc cơ quan điều tra rút hồ sơ để khởi tố vụ án như vậy có vi phạm điều 7 của Luật doanh nghiệp và điều 95 của Luật tổ chức tín dụng hay không.
“Một số vụ án do Bộ Công an làm đều cho gỡ phong tỏa tài sản để xử lý rồi mới xác định thiệt hại. Còn trong vụ án này phía ngân hàng nói chưa bị thiệt hại, trong khi tài sản thì bị phong tỏa”, luật sư Đức nêu thêm.
Có vi phạm tố tụng nghiêm trọng?
Luật sư Đức cũng đề nghị tòa xem xét dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng khi ông đưa ra các tài liệu, bút lục có trong hồ sơ vụ án.
Cụ thể, tại kết luận định giá tài sản của hội đồng định giá tỉnh Hậu Giang có cả thành viên hội đồng là phó thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra Công an TP Cần Thơ.
“Vị cán bộ này cũng chính là người đứng ra trực tiếp ký hợp đồng thẩm định giá với công ty Cửu Long. Ngoài ra, trong kết luận định giá tài sản của TP Cần Thơ cũng lấy mảnh đất rộng chừng 130m2 để so sánh, định giá cho tài sản đảm bảo khoản vay là mảnh đất rộng hơn 2.000m2“, ông Đức nói.
Các luật sư khác cũng không đồng tình với lời buộc tội. Luật sư của bị cáo Liệu cho rằng đến thời điểm này phía ngân hàng chưa xác định được thiệt hại. Cơ quan điều tra cũng không chứng minh được bị cáo vụ lợi. Do đó đề nghị tòa tuyên bị cáo không phạm tội.
Luật sư của bị cáo Thi nêu quan điểm trong vụ việc này có nhiều người cũng giúp bị cáo Nhân nhưng không bị truy tố với lý do làm công ăn lương. Bị cáo Thi cũng làm công ăn lương, chỉ là tài xế. Tiền vay bị cáo Thi không sử dụng mục đích cá nhân nhưng bị lại bị truy tố.
Phiên tòa tiếp tục diễn ra vào sáng 21-8.