Đề thi bàn về lối sống phông bạt giới trẻ, bắt theo trend cần lưu ý gì?

Chủ đề ‘lối sống phông bạt’ của giới trẻ vừa được đưa vào đề thi văn của một trường tại TP.HCM – Ảnh: AI

Đề kiểm tra giữa kỳ của lớp 10A25 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TP.HCM) với thời gian làm bài 45 phút, chỉ vỏn vẹn một dòng với 17 từ (“Hãy viết bài văn nghị luận bàn về Lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay”).

Không chỉ thu hút tranh luận sôi nổi của bạn đọc Tuổi Trẻ Onine, nhiều giáo viên ngữ văn cũng có các ý kiến trái chiều.

Nhằm góp thêm một góc nhìn, chúng tôi giới thiệu bài viết của ThS Trần Xuân Tiến (Trường đại học Văn Hiến).

Nói giới trẻ phông bạt có chủ quan, áp đặt?

Với ý nghĩa ban đầu để chỉ về loại vải bạt được sử dụng rộng rãi trong đời sống khi che chắn nắng mưa, làm nền trang trí…, từ “phông bạt” sau đó được dùng nhằm châm biếm những người có lối sống giả tạo, che đậy sự thật không như ý bằng vẻ ngoài hào nhoáng, sang trọng.

Ở đề thi nói trên, cụm từ “lối sống phông bạt” nên để trong dấu ngoặc kép, để biểu thị đây là từ lóng, tiếng lóng, được sử dụng với ý nghĩa phái sinh, khác với nghĩa gốc ban đầu của từ. 

Thậm chí, đề kiểm tra cần có phần chú thích về chữ “phông bạt” để nội dung của đề không bị học sinh hiểu sai, hiểu lệch so với dụng ý của người ra đề. 

Chúng ta cần lưu ý rằng, không phải bất kỳ ai cũng quan tâm đến những vấn đề “đang hot”, “theo trend” (xu hướng) trên mạng xã hội. 

Thế nên, sẽ không công bằng với học sinh nếu trong đề thi xuất hiện khái niệm người thì biết, người thì không.

Cụm từ “lối sống phông bạt” không được đặt trong ngữ cảnh nhất định để học sinh có thể hiểu đúng ý mà người ra đề muốn hướng đến. 

Vì thế, đề kiểm tra sẽ đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn nếu trước yêu cầu “viết bài văn nghị luận”, người ra đề cung cấp ngữ liệu, ngữ cảnh, dẫn chứng thực tế từ cuộc sống. 

Chẳng hạn, mở đầu bằng phần dẫn chuyện chỉ ra một số biểu hiện của một số người trẻ về “lối sống phông bạt”, sau đó nêu ra yêu cầu “viết bài văn nghị luận”.

Công bằng mà nói chỉ có một số lượng nhất định người trẻ có biểu hiện thích khoe khoang tiền tài, vật chất, chức vụ, bằng cấp… Nếu nói giới trẻ hiện nay có lối sống phông bạt, có lối sống thích “làm màu”, tô vẽ, thiếu trung thực, gian dối thì e rằng sẽ mang tính chủ quan, áp đặt. 

Mà theo cách ghi như trong đề (do không xác định ngữ cảnh rõ ràng) thì có thể hiểu theo hướng tiêu cực này.

Ngoài ra cũng cần chi tiết cụ thể hơn các yêu cầu về nội dung, hình thức, dung lượng (số chữ) của bài văn nghị luận, để học sinh dễ hình dung triển khai, tạo sự rõ ràng, công bằng khi chấm.

Những thách thức đối với người ra đề ngữ văn 

Ra đề sao cho đảm bảo tính khoa học, tính chính xác, tính giáo dục và cả tính thẩm mỹ của đề luôn là thách thức đối với người ra đề. 

Để thỏa mãn các yêu cầu này đòi hỏi người ra đề phải thực hiện chặt chẽ và nghiêm túc quy trình ra đề.

Kế đến, tổ chuyên môn, nhà trường cũng phải tiến hành đọc, phản biện, thẩm định đề, để có những kinh nghiệm đúc rút cho những lần ra đề sau.

Theo định hướng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đối với môn ngữ văn, giáo viên có thể ra đề kiểm tra ngắn gọn, yêu cầu học sinh trình bày nghị luận về một vấn đề hoặc một hiện tượng xã hội để học sinh bày tỏ quan điểm của bản thân. 

Nhưng cần hết sức cẩn trọng, cân nhắc theo nhiều góc nhìn. 

Bởi đối với đề môn ngữ văn, áp lực càng có phần tăng thêm khi các đề kiểm tra, đề thi của môn học này thường được công chúng có phần quan tâm hơn so với đề của các môn học khác. 

Các đề kiểm tra, đề thi môn văn vốn thường bị dư luận than phiền là lối mòn, cũ kỹ, rập khuôn.

Vậy nên, mong muốn ra đề sáng tạo, bắt theo trend, mang hơi thở thời sự đôi khi khiến cho người ra đề văn trở nên chủ quan, chưa đáp ứng các yêu cầu cần có của đề.

Đề văn lồng ghép những câu chuyện có tính thời sự, từ đó nâng cao chức năng giáo dục là hướng đi tốt. Tuy vậy cũng cần phải đảm bảo tính khoa học, tính chính xác và cả tính thẩm mỹ của đề.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *