Đề xuất đổi phương án đầu tư cao tốc Quy Nhơn – Pleiku sang đầu tư công

Quốc lộ 19 nối hai tỉnh Bình Định – Gia Lai đang được sửa chữa, giao thông rất khó khăn – Ảnh: LÂM THIÊN

Tại buổi làm việc, Bộ Giao thông vận tải đánh giá dự án đường cao tốc Quy Nhơn – Pleiku có tầm quan trọng rất lớn đối với vùng, cả nước và khu vực. Do đó các bên liên quan cần chuẩn bị, trao đổi, rà soát, kiểm tra thật kỹ để hoàn thiện hồ sơ phương án triển khai.

Đề xuất chuyển sang đầu tư công

Tại buổi làm việc, đại diện đơn vị tư vấn cho biết theo kết quả nghiên cứu của các cơ quan liên quan và đề xuất của hai tỉnh Bình Định, Gia Lai, tổng chiều dài tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku theo phương án mới là 123km, trong đó trên địa bàn tỉnh Bình Định dài 37,3km, còn Gia Lai là 85,6km.

Điểm đầu của cao tốc trong phương án xây dựng trước nằm ở cảng Nhơn Hội được tỉnh Bình Định đề xuất dời về gần cảng hàng không Phù Cát.

Khoảng cách từ cảng Nhơn Hội đi theo quốc lộ 19B về cảng hàng không Phù Cát là hơn 20km. Do đó, tổng chiều dài cao tốc theo phương án xây dựng mới được rút ngắn từ 143,2km xuống còn 123,3km.

Đại diện đơn vị tư vấn tỏ ra e ngại việc đầu tư theo hình thức đối tác công tư sẽ khiến nhà đầu tư khó thu hồi vốn. Lý do là qua khảo sát, đơn vị này đánh giá lưu lượng xe qua quốc lộ 19 nối Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên là không nhiều. Do đó, đơn vị tư vấn đề xuất thay đổi phương án đầu tư thành đầu tư công.

Lãnh đạo UBND hai tỉnh Bình Định và Gia Lai cũng đồng ý với ý kiến trên của đơn vị tư vấn.

Quốc lộ 19 sửa chữa chưa xong, giao thông kết nối các tỉnh Tây Nguyên và Bình Định gặp nhiều trở ngại - Ảnh: LÂM THIÊN

Quốc lộ 19 sửa chữa chưa xong, giao thông kết nối các tỉnh Tây Nguyên và Bình Định gặp nhiều trở ngại – Ảnh: LÂM THIÊN

Rất cần đầu tư cao tốc Quy Nhơn – Pleiku

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tự Công Hoàng – phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định – cho biết Bình Định có 11 khu công nghiệp dọc tuyến quốc lộ 19 và tuyến cao tốc này.

Hàng hóa hằng năm là 12 triệu tấn, dự tính đến 2025 – 2030, lượng hàng hóa có thể đạt hơn 15 triệu tấn. Ngoài ra còn có 38 cụm công nghiệp dọc theo tuyến quốc lộ 19, tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku và vùng lân cận.

Cùng với lượng hàng hóa hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum, ở hai nước Lào và Campuchia về, chắc chắn lượng xe cộ sẽ rất đông đúc. Vì vậy, tỉnh Bình Định đánh giá việc đầu tư tuyến cao tốc là rất cần thiết.

“Việc bồi thường, địa phương nào thì địa phương đó tự lo, nhưng cũng cần trung ương hỗ trợ trong việc này. Do đặc thù công trình này yêu cầu, đòi hỏi kỹ thuật rất cao nên cần nghiên cứu thật kỹ”, ông Hoàng đề xuất.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Quế – phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai – nói rằng đầu tư cao tốc Quy Nhơn – Pleiku sẽ giúp kinh tế vùng Tây Nguyên phát triển hơn.

“Lâu nay hàng hóa từ Lào, Campuchia sản xuất xong thì họ đưa thẳng về TP.HCM để xuất ra các cảng vì hạ tầng của chúng ta kém. Hiện nay, dọc quốc lộ 19, Gia Lai có 5 cụm công nghiệp đã được tỉnh quyết định đầu tư và chọn nhà đầu tư. Nếu làm được cao tốc này thì lưu lượng phương tiện giao thông sẽ rất nhiều”, ông Quế nói.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn thống nhất đề xuất thay đổi phương án đầu tư từ đối tác công tư sang đầu tư công bằng vốn trung ương hoặc địa phương.

“Trước mắt khó khăn lớn nhất vẫn là vốn. Đây là quá trình nghiên cứu sơ bộ, chúng ta cần điều chỉnh mọi thứ cho phù hợp. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, Bộ Giao thông vận tải sẽ xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính”, ông Tuấn nói.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *