Ở lại Thung lũng Silicon hay về Trung Quốc?
Cuối kỳ thực tập tại Tập đoàn Nvidia (Mỹ) vào năm 2023, anh Zizheng Pan, một nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) trẻ tuổi người Trung Quốc, đứng trước quyết định quan trọng: Ở lại Thung lũng Silicon cùng những nhà thiết kế chip hàng đầu thế giới, hay sẽ quay về quê hương để gia nhập DeepSeek – một công ty khởi nghiệp (startup) còn ít tên tuổi ở miền đông Trung Quốc lúc bấy giờ.
Theo lời kể của Zhiding Yu – nhà nghiên cứu cao cấp tại Nvidia và cũng là người hướng dẫn Pan trong kỳ thực tập, Pan lúc đó đã chọn DeepSeek mà không do dự nhiều.
“Tôi vẫn còn rất ấn tượng với quyết định của Zizheng Pan vào lúc đó” – ông Yu viết trên mạng xã hội X tháng trước. Ông nhận thấy những trường hợp như Pan ngày càng phổ biến. “Nhiều tài năng xuất sắc của chúng tôi là từ Trung Quốc. Họ không nhất thiết phải thành công chỉ khi làm việc tại một công ty Mỹ”.
Chưa đầy hai năm sau khi Pan gia nhập DeepSeek, công ty này đã trở thành cái tên đình đám toàn cầu. DeepSeek tung ra hai mô hình AI tiên tiến với chi phí rẻ hơn đáng kể, khiến giá trị vốn hóa thị trường của Nvidia bốc hơi gần 600 tỉ USD.
Sự lựa chọn của Pan phản ánh một xu hướng ngày càng rõ: những tài năng hàng đầu trong lĩnh vực AI của Trung Quốc đang dần rời Thung lũng Silicon để về nước.
Theo chia sẻ của những người làm trong ngành công nghệ Trung Quốc với trang công nghệ Rest of World (Mỹ), các tài năng này bị thu hút bởi chi phí sinh hoạt thấp hơn tại Trung Quốc, được sống gần gũi với gia đình và cơ hội đảm nhiệm những vai trò quan trọng ngay từ khi ở độ tuổi trẻ.
Bên cạnh đó, những lo ngại về chính sách nhập cư ngày càng khắt khe cũng khiến một số kỹ sư Trung Quốc ngần ngại sang Mỹ.
Trước đây, những thế hệ kỹ sư công nghệ hàng đầu của Trung Quốc thường chọn Thung lũng Silicon vì mức lương cao, và cơ hội làm việc cùng những bộ óc sáng tạo nhất thế giới.
Nhưng giờ đây, khi ngành AI trong nước phát triển mạnh, ngày càng nhiều kỹ sư trẻ chọn ở lại quê nhà. Các gã khổng lồ như Alibaba cùng với những start-up như StepFun, Minimax và 01.AI đang mang đến nhiều cơ hội hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Sự thành công của DeepSeek
DeepSeek đã chiêu mộ nhiều sinh viên và thực tập sinh trẻ tuổi từ các trường đại học hàng đầu Trung Quốc như Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh.
Không giống như nhiều công ty AI khác ở Trung Quốc, DeepSeek do quỹ đầu cơ High-Flyer của nhà sáng lập Lương Văn Phong (Liang Wenfeng) tài trợ hoàn toàn. Đội ngũ kỹ sư trẻ trung và đầy nhiệt huyết của DeepSeek đang nỗ lực bắt kịp các gã khổng lồ công nghệ tại Thung lũng Silicon, bất chấp lệnh cấm của Mỹ ngăn Trung Quốc tiếp cận các chip tiên tiến.
Giáo sư Angela Zhang tại Đại học Nam California (Mỹ) chuyên nghiên cứu về các quy định công nghệ ở Trung Quốc nhận định: “DeepSeek cho thấy sức mạnh của đội ngũ nhân tài AI tại Trung Quốc, được hỗ trợ bởi số lượng lớn kỹ sư phần mềm tài năng và có năng lực cao. Tôi tin rằng lợi thế này sẽ giúp Trung Quốc có vị thế vững chắc trong giai đoạn tiếp theo của sự phát triển AI”.
Theo báo cáo năm 2023 của MacroPolo – một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Chicago, gần một nửa số nhà nghiên cứu AI hàng đầu thế giới từng học đại học tại Trung Quốc. Các trường đại học Trung Quốc, phòng thí nghiệm và cả các cơ sở nghiên cứu của những công ty công nghệ Mỹ như Microsoft Research Asia (trụ sở tại Bắc Kinh) đã góp phần đào tạo một thế hệ nhà nghiên cứu tài năng.
Một ví dụ tiêu biểu là anh Junxiao Song, một trong những nhân tố cốt lõi đứng sau mô hình DeepSeek R1 mới nhất. Junxiao Song từng theo học chuyên ngành tự động hóa tại Đại học Chiết Giang, trước khi nhận bằng tiến sĩ kỹ thuật máy tính và điện tại Đại học Khoa học kỹ thuật Hong Kong vào năm 2015.
Daniel Palomar, giáo sư hướng dẫn của Song, chia sẻ rằng Song là người kiên trì và giỏi toán. Khi Palomar đăng bài về công việc của Song tại DeepSeek trên LinkedIn, một cựu sinh viên khác đã bình luận rằng Song từng có biệt danh là “đại sư”. “Không hiểu sao DeepSeek lại tập hợp được những nhân tài xuất sắc nhất” – ông Palomar bình luận.
DeepSeek có cách tiếp cận khác biệt để thu hút nhân tài. Theo thông tin trên trang công nghệ Trung Quốc 36Kr, công ty này trả lương cao hơn cả ByteDance, công ty mẹ của TikTok.
Ngoài ra, khác với nhiều công ty công nghệ Trung Quốc vốn có văn hóa cạnh tranh nội bộ khốc liệt và yêu cầu nhân viên làm việc kiệt sức, nhà sáng lập Lương Văn Phong (sinh năm 1985) cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 7-2024 rằng anh để nhân viên tự tìm nhiệm vụ và tiếp cận tài nguyên tính toán một cách tự do.