Theo Hãng tin Reuters, giáo sư luật Wang Jiangyu từ Đại học thành phố Hong Kong – người có lượng theo dõi lớn trên Weibo – đã hỏi ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) DeepSeek về cách Trung Quốc nên phản ứng trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% với hàng hóa từ nước này.
Theo đó, DeepSeek đưa ra các phương án phản ứng như áp thuế mới vào các ngành công nghiệp ở Michigan, Wisconsin của Mỹ, đưa ra các ưu đãi thuế mới cho các ngành công nghiệp trong nước.
AI này cũng gợi ý Trung Quốc có thể thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc sạc xe điện để tạo ra rào cản không thể vượt qua với các công ty Mỹ.
Giáo sư Wang nhận định tư duy của DeepSeek là “toàn diện, thực tế và có liên quan”.
Cho đến nay, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn chưa nêu ra bất kỳ khả năng nào trong số các đề xuất của DeepSeek.
Trong khi đó, Chen Zhihao, một nhà bình luận chứng khoán nổi tiếng, đã yêu cầu DeepSeek đưa ra lời khuyên đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc khi thị trường mở cửa trở lại vào tuần này, trong bối cảnh ông Trump áp thuế.
DeepSeek đưa ra dự đoán Bắc Kinh có thể tăng cường các biện pháp kích thích “để phòng ngừa áp lực bên ngoài”, hoặc đưa ra các biện pháp mới để hỗ trợ ngành công nghệ.
DeepSeek của Trung Quốc đã tạo ra một cơn “địa chấn” với giới công nghệ khi được ra mắt vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua.
Ứng dụng này cũng đã “soán ngôi” ChatGPT để trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên App Store trong tuần qua.
Trong báo cáo vào tháng 12, công ty khởi nghiệp DeepSeek tuyên bố đã huấn luyện mô hình DeepSeek-V3 với chi phí dưới 5 triệu USD, sử dụng chip Nvidia H800.
Một số chuyên gia đã đặt ra câu hỏi về tính chính xác của tuyên bố này. Tuy nhiên, đột phá của DeepSeek đã làm dấy lên hoài nghi về hiệu quả của hàng tỉ USD mà các “ông lớn” công nghệ Mỹ đã cam kết đầu tư vào sự phát triển của AI.
Các nhà chức trách Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Ý và Ireland cùng các quốc gia khác đang xem xét việc DeepSeek sử dụng dữ liệu cá nhân.