Ghi nhận tại các chợ truyền thống ở Đà Nẵng, nhiều tiểu thương bán thịt heo cho biết trong sáng nay, sức mua giảm khoảng một nửa so với ngày thường.
Nhiều quầy thịt heo ế ẩm
Ghi nhận tại chợ Cồn (quận Hải Châu), nhiều tiểu thương cho biết sức mua giảm rõ rệt dù nguồn thịt heo không lấy từ khu vực huyện Hòa Vang là nơi đang bùng dịch tả heo châu Phi.
Tiểu thương M.H. – bán thịt heo tại chợ này – cho biết: “Từ sáng đến quá trưa ngày 9-8, khách mua lẻ giảm hơn một nửa. Khách đến mua cũng hỏi cặn kẽ về nguồn gốc heo và tỏ ý e dè. Đa số chúng tôi chỉ bỏ mối thịt cho các hàng quán đến lấy”.
Tại chợ Hòa Mỹ (quận Liên chiểu), các quầy hàng thịt heo ảm đạm hơn so với ngày thường. Bà T. – một tiểu thương bán thịt ở chợ Hòa Mỹ – cho hay thông tin dịch tả heo châu Phi làm người tiêu dùng mang tâm lý lo sợ, hạn chế mua thịt.
“Thực chất thịt cung cấp cho chợ này được lấy từ lò mổ Đà Sơn (quận Liên Chiểu), thịt sạch và được kiểm chứng an toàn thực phẩm. Người mua chỉ nên cẩn thận với thịt được bày bán từ các quầy hàng tự phát xung quanh chợ mà thôi”, bà T. nói.
Còn chị Ngô Thị Thanh Hoa, tiểu thương tại chợ Hà Thân (quận Sơn Trà), cho biết: “Thông tin dịch tả heo châu Phi có ảnh hưởng đến việc buôn bán của các quầy thịt tại chợ này. Tuy nhiên chỗ chúng tôi xa vùng dịch nên cũng ít ảnh hưởng hơn các quận gần huyện Hòa Vang”.
Nhiều người đi chợ cho biết từ khi hay tin có dịch tả heo châu Phi tại huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, tâm lý chung là e ngại dùng thịt, thay bằng các thực phẩm khác.
Tạm dừng giết mổ, lưu thông heo vùng có dịch
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm – trưởng Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) – cho hay hiện công tác giám sát, theo dõi tình hình sức khỏe đàn heo của các hộ chăn nuôi trên địa bàn các xã, đặc biệt các hộ chăn nuôi tại vùng xuất hiện dịch đang được siết chặt.
Tính đến sáng 9-8 đã tiêu hủy hơn 40 con heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh và heo chết tại các hộ thuộc 2 xã có dịch là Hòa Ninh và Hòa Phong.
“Chúng tôi tích cực hướng dẫn các hộ chăn nuôi tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chuồng trại và khu vực xung quanh, hạn chế người ra vào khu vực chuồng nuôi, kịp thời báo cáo với UBND xã các trường hợp heo ốm, bệnh và chết không rõ nguyên nhân để tổ chức phòng, chống dịch bệnh kịp thời”, bà Tâm cho hay.
Ông Phan Duy Anh – phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) – cho biết: “Hiện đã tạm dừng các hoạt động giết mổ, đưa vào, mang ra hoặc lưu thông trong vùng có dịch đối với heo và các sản phẩm từ heo, trừ trường hợp được phép vận chuyển theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đối với các xã trong vùng bị uy hiếp cũng cần kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật”.