Sáng 1-9, trong chuỗi hoạt động của lễ hội sầu riêng Krông Pắk (Đắk Lắk) lần 2, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước khẳng định ngành sầu riêng Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng cũng không ít thách thức.
Diện tích và giá bán sầu riêng liên tục tăng
Phân tích về lợi thế sầu riêng Việt Nam, giáo sư Trần Văn Hâu – cựu giảng viên khoa Nông nghiệp trường Đại học Cần Thơ – cho biết giá bán sầu riêng liên tục tăng. Nếu năm 2013 giá bán dưới 2.000 USD/tấn thì năm 2022 đã tăng lên 5.000 USD/tấn. Giá sầu riêng cao khiến diện tích trồng loại trái cây này ở Việt Nam tăng nhanh, đạt 150.787ha, cho sản lượng gần 1,2 triệu USD/năm.
Tại Tây Nguyên, trong năm 2023 đã có thêm 15.000ha sầu riêng, nâng tổng diện tích diện tích lên 51.400ha, chiếm gần 50% diện tích và đạt hơn 40% sản lượng cả nước.
Thời vụ thu hoạch sầu riêng ở Tây Nguyên (tháng 8 đến tháng 10 hàng năm) trùng với thời vụ thu hoạch sầu riêng ở miền Nam của Thái Lan, nơi có sản lượng thấp nên sự cạnh tranh ít khắc nghiệt hơn.
“Với điều kiện tự nhiên đặc thù, sầu riêng ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng đã mở rộng và kéo dài thời gian thu hoạch ở nước ta, tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn của sầu riêng Việt Nam so với Thái Lan và các nước trong khu vực”, ông Hâu phân tích.
Về dư địa xuất khẩu, ông Hâu đưa ra số liệu mức tiêu thụ sầu riêng của Trung Quốc còn ở mức rất thấp (
“Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc được đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó dự báo. Việc sản xuất sầu riêng cần đạt chất lượng tốt nhất”, ông nhấn mạnh.
Tiến sĩ Ngô Xuân Nam – phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – nói thêm về quy định của một số thị trường trên thế giới. Đặc biệt, Trung Quốc có những quy định khá chặt chẽ mặt hàng sầu riêng – trái cây tươi có nguy cơ mất an toàn thực phẩm, nhất là rất chặt chẽ về dư lượng thuốc trừ sâu
“Theo thống kế của SPS, Việt Nam đang có 20 hoạt chất bị các thị trường xuất khẩu cấm. Vậy nên nông dân và các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng, trái cây tươi phải hết sức lưu ý để tránh thiệt hại”, ông Nam lưu ý.
Sầu riêng đông lạnh thành chìa khóa phát triển
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thiên Văn – phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk – cho biết với kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp của tỉnh năm 2023 đạt trên 53 tỉ USD, sầu riêng quả tươi của Việt Nam đã xuất khẩu sang 22 quốc gia, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường chủ yếu.
Ngày 19-8, Việt Nam đã ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp, việc làm cho người dân. Đến nay tỉnh Đắk Lắk có 17 cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh đã đăng ký thông tin, sẵn sàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Cùng quan điểm, ông Peter Johnson – chuyên gia của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) – đưa ra so sánh lợi thế, thời gian thu hoạch sầu riêng Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh.
Ông cũng cho rằng, thị trường sầu riêng đông lạnh là chìa khóa cho sự phát triển ban đầu của các thị trường kiểm dịch thực vật.
“Hiện nay phân khúc sầu riêng đông lạnh do Thái Lan và Malaysia thống trị. Tuy nhiên, với việc vừa ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh với Trung Quốc và các nước khác đã tạo ra cơ hội đáng kể để mở rộng thị trường cho Việt Nam”, ông Peter Johnson đặt nhận định.