Và có lẽ dù hằng hà lần của những cuối năm, người ta vẫn cứ thấy như mới mẻ, vẫn cứ giật mình nhìn lại hành trình mình qua một năm và nghĩ đến những dặm đường sắp tới.
Hẳn là nhờ mấy ngày nay, gió se se làm tôi nhớ lại rằng nếu ở quê mình thì đây là cái gió để se khô đất đai, sau một mùa dài nằm trọn vẹn trong nước.
Những năm lũ về của ngày xưa giờ không còn, nhưng cái gió vẫn nhớ đất, vẫn chạy về rào rạt trên từng chiếc lá, khi cuốn lịch trên vách nhà cũng đã mỏng dính.
1. Nhớ nhà cũng làm tôi nhớ câu hỏi hiền lành của má mình “Ăn cơm chưa con?” mỗi khi tôi về. Bước vào nhà, vừa chạm mặt là má hỏi ngay như vậy. Một chuyến xe dù đường ngắn hay đường dài, một cuộc gặp mặt dù mới đó hay cách quãng cả năm, với má đều “Ăn cơm chưa con?” sao mà giản dị.
Cái câu đó níu tôi lại, là công năng để tôi tha thiết sống, bởi rằng một góc thật nhỏ mà cũng thật rộng lớn kỳ vĩ nơi quê nhà vẫn còn có bà má đợi tôi về, với một nồi cơm nóng trên bếp than ấm đỏ.
Dù không biết mình sẽ còn nhận được bao nhiêu lần âm điệu của tiếng má ở bên tai nữa, khi thời gian cứ tiến nhanh về phía trước, nhưng cứ hạnh phúc lúc này cái đã rồi tính.
Năm nay nhận được tin nhiều người trẻ mất sớm và đột ngột, bỏ lại những người già khóc con, đâu đó có người bạn văn già của tôi ở một góc trời miền Tây, hay đâu đó chuyện của một người văn mà tôi kính trọng. Người già khóc con thì như thế nào?
Tôi nhớ, khi ba mình mất lúc bà nội vẫn còn sống. Những ngày tiễn biệt, bà im lặng không nói không rằng, cũng không khóc được. Nỗi đau quá lớn, hay sự tiễn biệt nhiều quá nhiều đã đi qua đời bà rồi, khiến nước mắt cũng hết sạch. Nhưng, không có dự đoán nào là đúng cả.
Những ngày sau đó, người khách cuối cùng cũng đã về, bà ngồi lặng trước bàn thờ ba tôi, nhìn vào di ảnh, lúc đó bà mới khóc. Nước mắt đến sau bà, khiến tôi hiểu rằng không có mất mát nào có thể so sánh được với mất mát mà bà đang có.
Bản năng của người làm cha mẹ chắc vốn dĩ được định vị là bản năng cho đi, nhưng, dù như thế, nhờ cho đi mới biết mình nhận lại, đó là nhận lại hạnh phúc được ở bên con.
2. Đôi khi tôi tự hỏi mình, làm sao con mình có được cảm giác quý giá, nhận diện đó là gia đình mình mà không có ở đâu thay thế được? Cái cảm giác mà về nhà là thấy an toàn, thấy xóa sạch những hiềm nghi, thấy được chở che?
Tôi có được cảm giác đó, nhờ vào nết lành, sự thiện của bà tôi, má tôi… nhưng liệu con tôi có thấy được điều đó ở gia đình nhỏ của mình? Những câu hỏi này khiến tôi phải tua lại những đoạn từ khi mình may mắn được trở thành mẹ của một đứa con.
Tôi nhớ lại những niềm vui nhỏ bé của mình, sau một ngày vất vả và căng thẳng ở nơi làm việc, có phải tôi đã vui thế nào khi con nhỏ đón mình về, cười sằng sặc với những câu đùa vui qua lại của mình.
Có phải tôi đã thấy bình an thế nào khi con nằm lăn trên bụng mẹ, đòi đọc sáu mươi bảy lần một cuốn sách chỉ có mười sáu trang toàn tranh minh họa, hào hứng dán lên vách nhà bức tranh nguệch ngoạc vẽ gia đình với người nào người nấy dài như một cây que.
Nhớ những niềm vui, tôi cũng lại đồng thời nhớ những cơn tức giận, những việc khiến mình không kiềm chế để la mắng con mình và sau đó nhận ra mình đã sai rồi. Những niềm vui và những cơn giận, chúng cứ sóng đôi, lúc cái này nhiều hơn, lúc cái nọ mạnh hơn, nhưng bản năng của người làm cha mẹ chắc vốn dĩ được định vị là bản năng cho đi. Cứ cho đi mãi.
Tuy nhiên, dù như thế, nhờ cho đi mới biết mình nhận lại, đó là nhận lại hạnh phúc được ở bên con. Phải chăng, đó chính là điều mà mình tha thiết sống?
Từ ban công hẹp nhà mình trổ sang cái góc xéo hơi khó nhìn của ban công nhà bên cạnh, mấy bữa nay rực hồng hoa giấy. Đám hoa giấy cũng là một chỉ báo của những tháng cuối năm, lúc nào cũng nở to hơn, sóng sánh và lung linh hơn sau một năm nằm im chịu nắng mưa vất vả bên rào.
Thấy hoa tự cười mình. Cây cỏ đã tử tế như vậy, còn sống là cứ nở hết mình. Vậy thì còn băn khoăn gì, có điều gì mà ta không tha thiết để sống nữa sao?
Vậy thì cứ mạnh dạn chào tháng mười hai, còn không mấy nữa là qua năm mới.
Vẫn hãy cứ quý giá từng tương tác nhỏ giữa người với người, vì rằng chính ông bạn văn già miền Tây, mới rợi nỗi đau sinh ly tử biệt, đã nói: “Sự hiện diện của người trên cõi đời khác với hoa. Bởi nó hiện ra không phải để cho mình ngắm”.
Và rằng tự nhắc mình: Hãy sống chậm lại. Và tha thứ thật nhanh.