Có thể nhận thấy sức hút của thần tượng có tác dụng ám thị rất lớn. Chị Hòa (ngụ Dĩ An, Bình Dương) chia sẻ: “Cháu nhà tôi cũng có chút năng khiếu âm nhạc. Cháu rất ngưỡng mộ ca sĩ Q., vì thế cháu tích cực luyện hát những ca khúc do nữ ca sĩ thể hiện. Gia đình chúng tôi hoàn toàn ủng hộ cháu phát triển năng khiếu này”.
Và không chỉ hâm mộ những hình ảnh đẹp lung linh, khi dõi theo các thần tượng làm từ thiện, sẵn sàng đến những nơi có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ người gặp khó khăn, các bạn trẻ càng được khơi gợi lòng trắc ẩn, tinh thần sẵn sàng sẻ chia…
Buồn nào cho bằng một ngày sụp đổ
Tuy nhiên, bỗng dưng ngày nào đó thần tượng của con không còn như xưa (dính vào những scandal, hoặc nghiêm trọng là có những hành vi vi phạm pháp luật), những hình ảnh đẹp đẽ trong mắt con trẻ bỗng dưng bị sụp đổ hoàn toàn. Hệ quả để lại khi thần tượng sụp đổ là rất lớn.
Một số bạn trẻ không kiểm soát được cảm xúc nên suy sụp, mất ăn, mất ngủ, buồn bã, tiếc nuối, thậm chí có những hành vi tiêu cực.
T.Trang (17 tuổi, ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) đã chán nản, thu mình, không muốn giao tiếp với cha mẹ từ hôm hay tin ca sĩ D. mình yêu thích phải vướng vào vòng lao lý.
Trang ngưỡng mộ tài năng của nhạc sĩ kiêm ca sĩ này, vừa hát hay, vừa sáng tác những bài hát hợp gu của giới trẻ. Thanh Giang (16 tuổi, ngụ quận 2, TP.HCM) cũng vậy, ngưỡng mộ ca sĩ D.. Phòng riêng của Giang dán đầy hình ảnh ca sĩ này, Giang cũng sưu tập những ca khúc do ca sĩ D. thể hiện. Vì thế Giang đã đau lòng biết bao và quyết định bỏ hết tranh ảnh, xóa hết những bài hát từng lưu vào máy điện thoại…
Khi hình ảnh thần tượng bị sụp đổ, vì bế tắc nên không ít bạn trẻ đã hành xử như một cách trừng phạt bản thân, rồi tẩy chay nhóm bạn cùng thần tượng. Bên cạnh đó, khi cảm xúc tiêu cực nảy sinh, có thể khiến bạn trẻ nhìn nhận vấn đề không còn đúng bản chất, chán chường, buồn rầu, ủy mị, nhiều trường hợp xảy ra như bất mãn, đau khổ…
Để bớt suy sụp khi thần tượng đổ vỡ
Có đi qua một thời tuổi teen, hẳn là cha mẹ sẽ đồng cảm với con, đâu dễ dàng vượt qua một cơn “sang chấn”. Chính vì đồng cảm, cha mẹ càng không nên làm điều gì gây tổn thương con trẻ thêm. Cha mẹ nên đồng cảm với con, thừa nhận cảm xúc của con, dần dần giúp con biết cách kiểm soát, làm chủ hành vi để cân bằng tâm lý.
Để giúp trẻ không suy sụp theo thần tượng, ngay từ đầu cha mẹ cần gần gũi, quan tâm đến sở thích, nhu cầu của con, tạo niềm tin để con trẻ thoải mái chia sẻ về thần tượng của mình.
Cùng con trao đổi, thảo luận nhiều hơn về thần tượng, để con trẻ hiểu được thần tượng là thần tượng thôi, không nên thần thánh hóa thần tượng đến mức mù quáng.
Và khi thần tượng của con bị sụp đổ với bất kỳ lý do gì, cha mẹ cần thấu hiểu và đồng hành giúp con vượt qua cú sốc tinh thần này. Tăng cường các hoạt động thể thao, du lịch, giải trí bổ ích để con nguôi ngoai nỗi hẫng hụt do thần tượng gây nên.
Nếu có thể, phụ huynh nên định hướng cho con tiếp cận những loại hình nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, phim ảnh… mang tính tích cực, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, năng khiếu, sở trường con đang theo đuổi cùng thần tượng. Cha mẹ cũng cần thường xuyên kiểm soát, điều chỉnh thời gian giải trí của con, hạn chế việc con quá… đắm đuối với thần tượng mà bỏ bê thời gian cho việc học tập cũng như các hoạt động khác.