Trao đổi với Tuổi Trẻ, các doanh nghiệp và chuyên gia đều cho rằng cần nới “room” công suất lắp đặt điện mặt trời (ĐMT) tự sản tự tiêu theo từng giai đoạn, hài hòa giữa nhu cầu lắp đặt của doanh nghiệp và khả năng cân đối nguồn điện, năng lực điều độ của ngành điện thay vì quy định cứng một con số cố định đến 2030.
Doanh nghiệp ngóng cơ chế
Tại nhà máy Nestlé Bình An, tỉnh Đồng Nai, doanh nghiệp đã lên kế hoạch lắp đặt ĐMT trên mái nhà xưởng để tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải. Tuy nhiên, do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, doanh nghiệp vẫn đang chờ đợi các quy định mới từ Chính phủ để triển khai.
Ông Phùng Hữu Cung, giám đốc nhà máy, cho biết việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo là cần thiết trong mục tiêu giảm phát thải, nhưng cần có cơ chế hỗ trợ cụ thể để doanh nghiệp thực hiện.
Tương tự, một doanh nghiệp lớn tại TP.HCM đã lắp đặt ĐMT tại các trung tâm bán lẻ phía Nam trước năm 2021. Tuy nhiên, tại các trung tâm ở miền Trung và miền Bắc, việc lắp đặt đã bị đình trệ từ năm 2021 do quy định tại mỗi địa phương khác nhau, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài khu công nghiệp tại TP.HCM cũng mong muốn lắp đặt ĐMT trên mái nhà để đạt chứng chỉ xanh và giảm chi phí điện. Tuy nhiên, họ gặp trở ngại lớn ở khâu đấu nối lưới điện.
Tại một tọa đàm về ĐMT vào ngày 16-8 ở TP.HCM, ông Vũ Đức Giang, chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ban hành cơ chế để giải quyết những vướng mắc trong việc lắp đặt ĐMT cho doanh nghiệp dệt may.
Ông Giang cho biết các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu sang các thị trường khó tính cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn về “xanh hóa”, trong đó yêu cầu loại bỏ lò hơi sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Nếu sử dụng lò hơi điện, chi phí sản xuất sẽ tăng 15-17%. Do đó, việc lắp ĐMT giúp doanh nghiệp giảm chi phí điện và đạt được chứng chỉ xanh để cạnh tranh đơn hàng.
Ông Trần Thiên Long, phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Bất động sản công nghiệp, cũng cho rằng dư địa lắp ĐMT trong các khu công nghiệp rất lớn.
Riêng tại TP.HCM, nếu các doanh nghiệp đồng loạt lắp đặt, có thể đạt công suất lên đến 2.000MW. Ông Long cảnh báo rằng nếu không sử dụng điện tái tạo và chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu.
Mong muốn nới “room” theo nhu cầu
Theo dự thảo nghị định khuyến khích ĐMT mái nhà tự sản tự tiêu đang được Bộ Công Thương xây dựng, việc lắp ĐMT mái nhà tự sản tự tiêu không nối với hệ thống điện quốc gia không bị giới hạn công suất.
Tuy nhiên, hệ thống dưới 1MW nối lưới chỉ được phát triển tối đa tổng công suất 2.600MW theo quy hoạch điện VIII.
Tại cuộc họp mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương rà soát các điều kiện để làm căn cứ điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, mở “room” cho ĐMT mái nhà tự sản tự tiêu, nhất là ở miền Bắc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bình Lam, giám đốc một doanh nghiệp ĐMT tại TP.HCM, cho biết kể từ 2021 đến nay, số lượng nhà máy đã lắp hệ thống ĐMT có nối lưới và chưa được ghi nhận, cập nhật số liệu là rất lớn, có thể đã vượt qua “room” 2.600MW.
Giai đoạn trước 2021, các doanh nghiệp chủ yếu chạy đua để lắp ĐMT với mục đích bán điện, nhưng giai đoạn sau này các doanh nghiệp lại muốn tự dùng để đạt các chứng chỉ xanh xuất khẩu và giảm phụ thuộc vào lưới điện quốc gia.
Do đó, ông Lam cho rằng cần phải nới công suất để giúp các dự án ĐMT phát triển ở các vùng trọng điểm công nghiệp cả ba miền thay vì chỉ bó hẹp trong một tỉ lệ công suất quá nhỏ.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), miền Bắc hiện chỉ có khoảng 700MW ĐMT mái nhà, nhưng năng lực hệ thống thực tế có thể tiếp nhận khoảng 7.000MW, tức khả năng tiếp nhận gấp gần 3 lần so với giới hạn phát triển 2.600MW cho cả nước.
Ông Đào Du Dương, tổng giám đốc Công ty năng lượng Bảo Long Solar Energy Group, cho rằng có những tỉnh chỉ được phân bổ “room” vài chục đến vài trăm MW trong khi nhu cầu của doanh nghiệp rất lớn, sẽ vượt rất xa con số 2.600MW.
Do đó ông Dương cho rằng cần tính toán lại mức công suất, giúp khơi thông điểm nghẽn của quy định chưa ban hành này.
TS Cao Anh Tuấn (chuyên gia về năng lượng) nhận định giới hạn mức công suất 2.600MW là con số quá nhỏ so với nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Do đó, ông Tuấn đề xuất cần phải có một quy hoạch “mở”, điều chỉnh công suất theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Chờ giá dịch vụ của EVN để mua bán điện trực tiếp
Chính phủ đã ban hành nghị định 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể để thực hiện giao dịch.
Một số doanh nghiệp lớn, đặc biệt là FDI, đã bắt đầu đàm phán mua điện trực tiếp từ nhà máy điện mặt trời thông qua lưới truyền tải của EVN, nhưng vẫn cần giá dịch vụ truyền tải từ EVN để hoàn thiện bài toán tài chính.
Lãnh đạo một doanh nghiệp FDI tại TP.HCM đề xuất mở rộng điều kiện tham gia DPPA cho các doanh nghiệp có mức tiêu thụ điện gần đạt 200.000 kWh/tháng để đáp ứng nhu cầu giảm phát thải carbon.