Theo các doanh nghiệp, với cơ cấu thị phần của các doanh nghiệp xăng dầu nhà nước đang chiếm tới 70% trên thị trường, việc mua chủ yếu từ nguồn trong nước có thể khiến cho giá xăng dầu đầu vào bị đẩy lên.
Nhiều lý do khiến vẫn phải nhập nguồn giá cao
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Malaysia đã trở thành thị trường cung cấp xăng dầu nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam với 1,4 triệu tấn, có giá trị 1,1 tỉ USD, thay thế cho Hàn Quốc vốn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong năm 2023 (hơn 38%). Hàn Quốc đứng thứ hai với 1,4 triệu tấn, giảm 15,7% và đạt 1,1 tỉ USD.
Singapore đứng thứ ba với 1,1 triệu tấn, đạt 955 triệu USD; tiếp đến là Trung Quốc với gần 495 triệu tấn, giá trị đạt 414 triệu USD; và Thái Lan là 126.334 tấn với 107 triệu USD.
Giá xăng dầu nhập khẩu từ Thái Lan là 851 USD/tấn, Trung Quốc là 839 USD/tấn, Malaysia có giá 813 USD/tấn và Hàn Quốc có mức giá thấp nhất là 780 USD/tấn. Theo Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm, nguồn nhập khẩu chiếm 45,1%, sản xuất trong nước chiếm 54,8%.
Như vậy nếu tính theo giá bình quân, giá xăng dầu nhập từ Singapore cao nhất với trên 855 USD/tấn nhưng Việt Nam vẫn nhập số lượng lớn, đứng thứ ba.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một thương nhân đầu mối xăng dầu tại ĐBSCL cho biết nguồn mua trong nước của doanh nghiệp này đang chiếm khoảng 70%, còn lại 30% mua từ nguồn nhập khẩu. Trong đó, bên cạnh thị trường Hàn Quốc, nguồn nhập khẩu khá đa dạng từ Singapore, Thái Lan, Malaysia… cũng được áp dụng giảm thuế về 0% từ đầu năm nay nên có giá cạnh tranh.
Vì vậy, các doanh nghiệp điều chỉnh cơ cấu nhập hàng thêm từ các nước ASEAN do có lợi thế vận chuyển, có thể mua lượng nhỏ hơn so với hàng nhập từ Hàn Quốc. Tuy vậy, nguồn cung xăng dầu từ Hàn Quốc lại có ưu thế là giá thấp hơn so với các nước trong ASEAN, nhập các tàu lớn nên tùy vào nhu cầu kinh doanh, doanh nghiệp sẽ quyết định lựa chọn nguồn cung phù hợp.
“Mỗi tháng các nhà cung ứng đều chào giá, chúng tôi sẽ quyết định nhập hàng về với giá cạnh tranh nhất. Đến nay nguồn cung xăng dầu đều rất dồi dào, giá biến động không phải do thiếu cung cầu mà chủ yếu do tâm lý. Đặc biệt là khi ưu đãi thuế nhập khẩu 0% được áp dụng trong ASEAN, nên chúng tôi mở rộng nguồn mua từ các nước này để phù hợp với nhu cầu kinh doanh” – vị này cho biết.
Một thương nhân đầu mối khác tại TP.HCM cho hay do giá luôn biến động nên cứ “bên nào chào giá rẻ thì mua”. Tuy nhiên, không chỉ căn cứ vào giá mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố như sản lượng mua thực tế, việc cam kết hợp đồng với nhà máy sản xuất xăng dầu trong nước.
“Ví dụ chúng tôi vừa nhập một lô hàng xăng từ Singapore, dù có giá bình quân cao hơn nhưng lại có nhiều ưu thế trong vận chuyển. Đặc biệt, nếu so với mức giá bình quân mua từ các nguồn cung cấp của hai nhà máy lọc dầu trong nước, hàng nhập khẩu vẫn rẻ hơn”, thương nhân này thông tin.
Mua trong nước giá đắt so với nhập khẩu?
Theo các doanh nghiệp, việc có thêm nguồn cung từ các thị trường trong ASEAN với mức giảm thuế từ đầu năm khiến cho cơ cấu nhập khẩu và mua nguồn trong nước có sự thay đổi. Trước đây hai nhà máy lọc dầu trong nước là Dung Quất và Nghi Sơn đáp ứng và chiếm khoảng 70% thị phần xăng dầu, còn lại 30% là từ nguồn nhập khẩu.
Tuy nhiên cơ cấu này đã thay đổi trong 5 tháng đầu năm nay, một phần do nhà máy Dung Quất đóng cửa 2 tháng để bảo dưỡng, một phần do giá xăng dầu nhập khẩu cạnh tranh hơn. Theo một thương nhân đầu mối, giá thành bình quân nhập vào VN trong 6 tháng đầu năm nay đối với mặt hàng xăng là 21.650 đồng/lít và dầu DO là 18.850 đồng/lít, trong khi mua từ nhà máy lọc dầu trong nước với xăng RON95 là 21.700 đồng/lít và dầu là 18.750 đồng/lít.
Ngoài ra, chi phí premium tại nhà máy trong nước ở mức cố định là 2,8 USD/thùng với xăng và 1,3 USD/thùng với dầu DO. Đối với hàng nhập khẩu, mức chi phí này thay đổi theo ngày và tùy theo kích cỡ lô hàng, nhưng giá bình quân là 80 cent – 1 USD/thùng với dầu và 2 USD/thùng với xăng.
Một thương nhân đầu mối tư nhân xăng dầu phía Nam cũng cho hay chỉ mua khoảng 35% nguồn từ hai nhà máy lọc dầu trong nước, còn lại 65% là nhập khẩu. Lý do là hàng nhập khẩu được giảm thuế và có giá cạnh tranh hơn, cơ chế mua bán linh hoạt, chủ động hơn thì mua trong nước phải cam kết hợp đồng dài hạn, quy định cứng nhắc và mức giá cũng kém cạnh tranh hơn.
Khi mua nguồn xăng dầu trong nước phải thanh toán trước 30 ngày, áp dụng theo một công thức cố định do các nhà máy sản xuất xăng dầu đưa ra là 5-1-5. Tức là 5 ngày trước khi nhận hàng và 5 ngày sau khi nhận hàng cộng với 1 ngày tạo nên giá bình quân của một chu kỳ nhận hàng.
“Chưa kể phụ phí (premium) cũng cao hơn chi phí mua từ nguồn nước ngoài, nên giá mua trong nước tùy thời điểm thường cao hơn từ 10 – 30% so với hàng nhập khẩu. Doanh nghiệp cũng phải cam kết mua sản lượng cố định trong 6 tháng” – thương nhân này nói.
Một thương nhân đầu mối khác cho hay, tại thời điểm này, doanh nghiệp đang phải thực hiện đàm phán ký hợp đồng mua hàng của các nhà máy lọc dầu trong nước cho 6 tháng cuối năm, trong khi mua từ nguồn nhập khẩu là theo từng lô hàng và từng tháng nên giá cạnh tranh hơn.
“Mặc dù nguồn hàng từ các nhà máy lọc dầu trong nước ổn định hơn, chủ động tàu bè để nhập hàng và có thể chia nhỏ được các lô hàng, nhưng hợp đồng thường ổn định liên tục trong 6 tháng nên giá không thể rẻ hơn so với hàng nhập khẩu” – vị này nói.
Các doanh nghiệp tư nhân chủ yếu nhập khẩu
Trả lời Tuổi Trẻ, một đại diện của Bộ Công Thương cho rằng việc các doanh nghiệp phản ánh giá mua trong nước cao hơn nhập khẩu là “phiến diện”. Theo vị này, mua trong nước cao hơn nhập khẩu có thể chỉ xảy ra ở một vài thời điểm, còn tính chung mua trong nước giá có lợi hơn và doanh nghiệp vẫn muốn mua trong nước nhiều hơn.
“Mức chi phí premium cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trên cơ sở giá trong nước tham khảo giá thế giới và tình hình nguồn hàng, do mua hàng trong nước có lợi hơn về vận chuyển và trả bằng VNĐ”, vị này nói.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tổng nguồn cung xăng dầu (từ nguồn nhập khẩu, sản xuất ) trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 10,303 triệu tấn. Trong đó nhập khẩu chiếm 45,13%, sản xuất trong nước chiếm 54,87%. Đáng chú ý là nếu như hoạt động nhập khẩu chủ yếu do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện, nguồn mua trong nước lại do các doanh nghiệp xăng dầu nhà nước chiếm phần lớn với trên 60%.
Phải có biện pháp đàm phán giá mua xăng dầu trong nước
Những doanh nghiệp phải nhập nguồn condensate để pha chế, phối trộn xăng, dầu hỏa và dầu diesel cũng than phiền khi phải chấp nhận mua giá cao từ nguồn trong nước. Một đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu tại miền Nam cho hay nguồn condensate được cung ứng chủ yếu ở nhà máy khí và một số doanh nghiệp khác.
Nhưng với chính sách ưu tiên trong hệ thống nên doanh nghiệp đang có lợi thế cạnh tranh nhất mua nguồn này là PVOil. Trong khi các doanh nghiệp khác tiếp cận nguồn hàng khó khăn hoặc phải chấp nhận mua giá cao, ảnh hưởng cạnh tranh giá.
Theo các doanh nghiệp, với cơ cấu thị phần của các doanh nghiệp xăng dầu nhà nước đang chiếm tới 70% trên thị trường, việc mua chủ yếu từ nguồn trong nước có thể khiến cho giá xăng dầu đầu vào bị đẩy lên.
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp khuyến nghị cần để doanh nghiệp chủ động linh hoạt tạo nguồn theo thực tế thị trường cũng như có biện pháp kiểm soát việc đàm phán mua bán giữa các nhà máy lọc dầu trong nước, tránh những nguy cơ ép giá, ép hợp đồng sẽ khiến cho giá xăng dầu bị méo mó không theo thị trường.