Ngày 3-8, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết vừa kiểm tra đột xuất và phát hiện một số doanh nghiệp sầu riêng ở tỉnh này có nhiều vi phạm.
Không kiểm soát được mã sầu riêng tại cơ sở?
Theo đó, ngày 19-7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk thành lập đoàn kiểm tra các vùng trồng, cơ sở đóng gói sản phẩm sầu riêng (Đoàn 716) trên địa bàn tỉnh. Đoàn kiểm tra đột xuất các tổ chức, cá nhân là chủ mã số các vùng trồng, mã đóng gói sầu riêng đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt, cấp mã số…
Kiểm tra đột xuất Hợp tác xã nông nghiệp Uyên Điệp tại thôn 19-5 (xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk), đoàn phát hiện tổ chức này đã “gắn nhầm” 2 mã đóng gói trong các thùng sầu riêng chuẩn bị đưa lên container xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Cụ thể, Hợp tác xã nông nghiệp Uyên Điệp được cấp mã đóng gói số hiệu VN-DLPH-059 (Đắk Lắk), nhưng tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp chưa sử dụng để đóng hàng xuất khẩu đi Trung Quốc.
Trong khi đó, tại hợp tác xã này lại có 100 thùng (9kg/thùng) đóng gói quả sầu riêng tươi đã dán mã số vùng trồng VN-GLOR-0177 (mã vùng tỉnh Gia Lai) và mã số cơ sở đóng gói VN-SGPH-014 (mã thuộc huyện Hóc Môn, TP.HCM).
Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Văn Điệt – giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Uyên Điệp – cho biết mã số vùng trồng Gia Lai và mã đóng gói TP.HCM nêu trên do chủ hàng tự dán, ông không liên quan. Hợp tác xã này chỉ mua bán trái sầu riêng tươi tại địa phương rồi sơ chế bán cho các chủ hàng, việc mua bán không có hợp đồng.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Điệt xác nhận có việc 100 thùng sầu riêng đưa đi xuất khẩu tại cơ sở của ông dán mã vùng trồng, mã đóng gói của địa phương, doanh nghiệp nơi khác.
Ông cũng thừa nhận đến nay doanh nghiệp của mình chưa dán mã đóng gói của đơn vị được cấp vì ông chưa xin được mã vùng trồng khớp với cơ sở đóng gói của mình.
Ông Điệt cho rằng hiện doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng chính ngạch tại địa bàn gặp nhiều khó khăn, do sản lượng và nhu cầu nhập khẩu của đối tác nhiều nhưng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói không đủ đáp ứng.
Theo ông, khoảng 500 kho sầu riêng tại Đắk Lắk bán hàng cho rất nhiều thương lái ở các nơi, nên việc các chủ hàng lấy mã này mã kia dán vào không thể kiểm soát được.
Cơ sở sầu riêng chưa đảm bảo an toàn thực phẩm
Kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh của Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (địa chỉ tại km23, quốc lộ 26, thôn Tân Mỹ, huyện Krông Pắk), Đoàn 716 cũng phát hiện nhiều vi phạm.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn 716 phát hiện cơ sở chưa đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm như quy trình sản xuất không theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng.
Cơ sở được kiểm tra có khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có hoặc không đầy đủ giá, kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh. Đoàn kiểm tra lấy 1 mẫu sản phẩm trái sầu riêng tại cơ sở để gửi đi phân tích chất lượng.
Bên cạnh đó, cơ sở được kiểm tra sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Hiện vi phạm của các doanh nghiệp được phát hiện qua thanh tra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cùng các cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh, xử lý.