Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân vừa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự liên quan trục lợi bảo hiểm.
Phạt tù, bồi thường tiền cho công ty bảo hiểm
Ba bị cáo Vũ Thị Ngọc Hà, Nguyễn Văn Khánh và Phan Thị Trang (vợ của Khánh) cùng bị tuyên phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại điểm a, khoản 4, điều 174 Bộ luật Hình sự.
Áp theo Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Hà và Khánh lần lượt 10 năm tù và 7 năm tù. Riêng bà Trang bị xử phạt 3 năm tù – hưởng án treo.
Song song đó, bị cáo Phong (đại lý bảo hiểm) bị phạt 2 năm tù – án treo. Phong bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm c, khoản 4, điều 174 Bộ luật Hình sự. Bị cáo này cũng bị cấm làm công việc liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm trong thời hạn 2 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Về bồi thường thiệt hại, buộc các bị cáo trên phải trả cho Tổng công ty Bảo Việt Nhân Thọ 117,6 triệu đồng.
Theo ghi nhận, bị cáo Khánh và Trang đã tự nguyện bồi thường số tiền này. Riêng bị cáo Phong tự nguyện bồi thường 20 triệu đồng. Như vậy, số tiền nộp dư 20 triệu đồng, các bị cáo Khánh, Trang và Phong tự nguyện dùng để bồi thường thay bị cáo Hà.
Tòa cũng buộc các bị cáo Hà, Khánh và Trang bồi thường thiệt hại cho bốn bị hại tổng số tiền hơn 3,7 tỉ đồng (bị cáo Hà phải bồi thường hơn 2,18 tỉ đồng – đã nộp 1,52 tỉ đồng, bị cáo Khánh bồi thường 1,53 tỉ đồng – đã xong). Bị hại là các công ty bảo hiểm nhân thọ: Dai-ichi (1,2 tỉ đồng), Prudential (hơn 1 tỉ đồng), Hanwha Life (1 tỉ đồng) và FWD (500 triệu đồng).
Áp dụng Bộ luật Dân sự, nếu bên có nghĩa vụ thi hành án chậm trả tiền thì phải trả thêm lãi đối với số tiền chậm trả.
Giấu bị ung thư, giả mạo thông tin để trục lợi bảo hiểm
Vào năm 2021 Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến vụ “1 khách hàng mua 19 hợp đồng bảo hiểm”.
Sau khi nhận tin báo, tố giác do Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và 9 doanh nghiệp bảo hiểm (Liberty, Prudential, Aviva, MB Ageas, FWD, Generali, Dai-ichi, VBI, Cathay) gửi, cho rằng ông Nguyễn Văn Khánh (ngụ tại Hải Phòng) “có dấu hiệu gian dối trong kê khai mua bảo hiểm nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm”.
Bên tố giác cho biết đã cung cấp thông tin và bằng chứng cho thấy ông Khánh đã biết trước mình bị ung thư tuyến giáp nhưng giả mạo thông tin cá nhân (đổi tên, đổi năm sinh) để khám tại bệnh viện và nhận được kết quả chẩn đoán là bị ung thư tuyến giáp.
Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi biết mình bị bệnh, từ cuối tháng 9-2019 đến đầu tháng 11-2019, ông Khánh đã có 25 yêu cầu bảo hiểm tại 15 công ty bảo hiểm. Ông đã mua được 19 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe. Ông che giấu thông tin mình đã bị bệnh, che giấu hoặc cung cấp thông tin không chính xác việc mình đã có nhiều yêu cầu mua bảo hiểm và đã mua được hợp đồng bảo hiểm tại các doanh nghiệp bảo hiểm khác.
Sau khi hết thời gian chờ theo quy định của hợp đồng bảo hiểm, ông đã hợp pháp hóa hồ sơ bệnh án bằng cách đi khám và điều trị tại Bệnh viện K ở Hà Nội, nộp hồ sơ yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm.
Để trót lọt, ông Khánh nhận được sự hợp sức của Hà (chỉ cách trục lợi bảo hiểm), Trang (vợ) và Phong (đại lý bảo hiểm).
Cho đến thời điểm phát hiện vụ việc, ông Khánh đã được 5 công ty bảo hiểm chi trả số tiền ban đầu gần 4 tỉ đồng. Chủ yếu tiền đổ về tài khoản do Hà quản lý, sau đó ăn chia cùng vợ chồng ông Khánh. Nếu không kịp thời điều tra, số tiền chiếm đoạt có thể trên 20 tỉ đồng.
Trước khi tòa sơ thẩm có bản án chính thức vào cuối tháng 8-2024, sự việc liên quan ông Khánh gây xôn xao, nổ ra tranh luận trái chiều trong giới bảo hiểm, một bên cho rằng khách hàng này trục lợi bảo hiểm, bên kia phản bác.
Vụ “1 khách hàng mua 19 hợp đồng bảo hiểm” được nhiều người trong ngành xem như “án điểm” về việc xử lý hành vi trục lợi bảo hiểm.