Mở cửa giao dịch sáng nay (16-7), VN-Index diễn biến tích cực khi sắc xanh bao trùm hầu hết nhóm ngành. Kết phiên, chỉ số đại diện sàn TP.HCM tăng gần 10 điểm lên 1.289,79.
Thanh khoản chứng khoán ‘mất hút’
Động lực chính tăng điểm xuất phát từ nhóm ngân hàng khi nhiều cổ phiếu bật mạnh về giá, thanh khoản, tiếp đến là nhóm y tế dược phẩm.
Tuy nhiên sang phiên chiều, thị trường bất ngờ chuyển hướng. Lực bán mạnh tập trung ở nhóm bất động sản, xây dựng cùng một số ngành khác khiến VN-Index lùi dần về vùng tham chiếu với 1.281,18 điểm.
Thanh khoản toàn thị trường hôm nay có cải thiện khi tổng giá trị giao dịch cả 3 sàn đạt hơn 18.900 tỉ đồng. Tuy nhiên đây vẫn là mức thấp và xu hướng này kéo dài trong rất nhiều phiên trở lại đây.
Như phiên hôm qua, tổng giá trị giao dịch trên 3 sàn khớp lệnh đạt 13.174 tỉ đồng, giảm gần 33% so với trung bình 5 phiên và giảm gần 32% so với trung bình 20 phiên.
Đáng chú ý, dòng tiền vào chứng khoán hao hụt dần, vắng bóng dòng tiền lớn trong bối cảnh số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tiếp tục gia tăng. Tính đến cuối tháng 6 này, tổng số lượng tài khoản chứng khoán đã vượt mốc 8 triệu – cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, dòng tiền gửi vào ngân hàng hưởng lãi suất vẫn tăng bất chấp lãi suất về thấp kỷ lục. Theo Ngân hàng Nhà nước, thống kê đến cuối tháng 3-2024, tiền tiết kiệm của dân cư được gửi vào hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,676 triệu tỉ đồng, tăng 2,2% so với cuối năm ngoái.
Vì sao nhà đầu tư dè chừng?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Thành Trung – giám đốc tư vấn đầu tư Chứng khoán Thành Công – cho rằng có bốn yếu tố chính khiến thanh khoản thị trường thấp.
Thứ nhất, nhà đầu tư trong quý 1 và 2 nếu chọn không đúng cổ phiếu cũng có thể bị âm tài khoản. Thống kê cho thấy đến 30% số cổ phiếu giảm điểm trong 6 tháng đầu năm, mặc cho thị trường tăng gần 14%.
“Những nhà đầu tư chọn ‘nhầm’ cổ phiếu có khả năng rơi vào tình trạng chán nản, ít giao dịch”, ông Trung nhận định.
Yếu tố thứ hai, ông Trung cho rằng do tỉ giá căng thẳng khi đồng USD gia tăng, kèm theo đó lãi suất tiền gửi cũng gia tăng thời gian gần đây khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại, nên đứng ngoài thị trường quan sát.
“Tiếp theo, nhiều nhà đầu tư cũng có tâm lý chờ đợi kết quả kinh doanh quý 2-2024 rồi mới tính tiếp cho giai đoạn giải ngân sắp tới”, ông Trung phân tích thêm yếu tố khiến khối lượng giao dịch toàn thị trường thấp.
Yếu tố thứ tư, theo ông Trung, khối ngoài bán ròng liên tục cũng là nguyên nhân làm nhà đầu tư trong nước “chùn chân”. Từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã rút ròng vượt hơn 60.000 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán.
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, bà Nguyễn Thị Phương Lam – giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) – cũng cho biết áp lực tỉ giá là gánh nặng với tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Đà tăng của thị trường cũng bị xóa bỏ trong nửa cuối tháng 6-2024.
Sang tháng 7, bà Lam kỳ vọng mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 sẽ mang lại sự sôi động cho thị trường chứng khoán. Ở chiều ngược lại, áp lực tỉ giá và kéo theo đó là vấn đề lãi suất vẫn sẽ là gánh nặng đối với thị trường.
Thống kê của VDSC cho thấy lãi suất huy động đã tăng từ 30-50 điểm so với cuối tháng 3-2024, nhưng vẫn thấp hơn so với cuối năm 2023.
Áp lực tỉ giá kéo dài do sức mạnh của đồng USD và nhu cầu ngoại tệ tăng cao khiến rủi ro Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất điều hành trong quý 3-2024 có thể hiện thực hóa, chuyên gia VDSC dự báo.