Cuối tháng 8-2024, phóng viên Tuổi Trẻ Online quay lại dự án phát triển chăn nuôi bò và trồng cỏ chăn nuôi tại xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) – nơi từng được hô hào sẽ đem lại đời sống tốt cho nông dân – thì nơi đây chuồng trại bỏ hoang, tình trạng mất rừng khó kiểm soát.
Doanh nghiệp để mất hàng chục héc ta rừng
Theo hồ sơ, năm 2015, UBND tỉnh Đắk Lắk cho Doanh nghiệp tư nhân Phúc Huy liên kết với Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Buôn Ja Wầm thành lập Công ty TNHH chăn nuôi Phúc Lâm để triển khai dự án phát triển chăn nuôi bò và trồng cỏ tại tiểu khu 550 xã Ea Kiết (Cư M’gar) trên diện tích 171ha (trong đó 43,5ha đất không có rừng và 127,5ha rừng tự nhiên).
Vào thời điểm thành lập, với tổng mức vốn đầu tư trên 36,5 tỉ đồng, doanh nghiệp khẳng định sẽ có đàn bò quy mô 2.000 con (trong đó nuôi tập trung 495 con, nuôi phân tán trong các hộ gia đình 1.505 con) trên diện tích 171ha.
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của phóng viên, dự án chăn nuôi bò dưới tán rừng của Công ty Phúc Lâm hiện không nuôi con bò nào. Tại đây có 2/3 trại bò bỏ hoang, nhà điều hành để không, xuống cấp, không người trông coi. Diện tích rừng gần như xóa sổ, hàng chục héc ta đất rừng đã biến thành các rẫy bắp, ruộng lúa, đất trồng cây lâu năm.
Báo cáo mới nhất của Công ty Phúc Lâm tính đến ngày 31-12-2023, trong số hơn 127ha rừng tự nhiên giao cho doanh nghiệp vào năm 2015, nay còn 55,22ha được ghi nhận là “có rừng”; đối với hơn 43,5ha đất không có rừng giao để trồng cỏ, nuôi bò doanh nghiệp để lấn chiếm hầu hết, chỉ còn quản lý khoảng 15ha.
Đổ trách nhiệm cho nhau khi dự án mất rừng
Liên quan đến vấn đề này, vừa qua một số người dân đứng đơn tố cáo đến nhiều nơi việc doanh nghiệp được giao đất, rừng để nuôi bò kém hiệu quả nhưng để đất rừng bị lấn chiếm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tự ý cho thuê đất, trồng bắp, lúa để thu lợi trên diện tích giao trồng cỏ nuôi bò…
Ông Nguyễn Trọng Tĩnh – giám đốc Công ty Phúc Lâm – cho biết ông mới nhận bàn giao công việc gần hai tháng nay với tài sản gần như là con số 0 nhưng số nợ công ty mẹ hơn 4 tỉ đồng.
Theo ông Tĩnh, khi nhận bàn giao đến nay, ông đã thuyết phục một số người dân giao lại một vài diện tích đất lấn chiếm để doanh nghiệp có đất trồng bắp, lúa (thay thế cỏ) để nuôi bò sắp tới.
Liên quan đến việc đất, rừng bị mất, lấn chiếm, ông Tĩnh nói doanh nghiệp liên kết nuôi bò, còn việc quản lý, bảo vệ rừng trên thực địa phải do Công ty TNHH lâm nghiệp Buôn Ja Vầm quản lý. “Hằng năm Công ty TNHH lâm nghiệp Buôn Ja Vầm vẫn nhận kinh phí bảo vệ rừng nên đây thuộc trách nhiệm của họ.
Đến nay tổng diện tích đất, rừng được tỉnh giao trên giấy tờ là 171ha nhưng doanh nghiệp chỉ còn quản lý 15ha. Chúng tôi không có chức năng để quản lý, bảo vệ cũng như thu hồi diện tích bị lấn chiếm”, ông Tĩnh nói.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Lâm – phó tổng giám đốc Công ty TNHH lâm nghiệp Buôn Ja Vầm – lại cho rằng việc tỉnh đã giao đất, rừng cho Công ty Phúc Lâm nên việc quản lý đất không có rừng, diện tích phải khoanh nuôi bảo vệ rừng là của doanh nghiệp.
Nói về vấn đề này, ông Vũ Hồng Nhật – chủ tịch UBND huyện Cư M’gar – cho biết huyện đã có khảo sát. Theo ông Nhật, qua kiểm tra công ty báo cáo vào năm 2015, doanh nghiệp có nuôi khoảng 300 con bò và đã cung cấp bò giống cho chương trình 135 của huyện.
Những năm gần đây công ty vẫn duy trì đàn bò trên 200 con, tuy nhiên do chuồng trại xuống cấp, diện tích đất trồng cỏ bị thu hẹp do người dân lấn chiếm sản xuất nông nghiệp. Mặt khác đàn bò bị suy yếu nên cuối năm 2023, công ty đã thanh lý hết.
Hiện nay, doanh nghiệp đang cho sửa chữa lại một số khu chuồng trại để tái đàn. Ông Nhật cho biết Công ty Buôn Ja Vầm do tỉnh quản lý, hiện đã cổ phần hóa và Nhà nước chỉ giữ một phần vốn trong đó.
Điểm nóng để mất rừng
Công ty Buôn Ja Wầm quản lý hơn 8.800ha giáp ranh với các huyện Krông Buk, Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo nên đây là điểm nóng mất rừng hàng chục năm qua. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2020 đến nay, trên lâm phần của Công ty lâm nghiệp Buôn Ja Wầm xảy ra hơn 500 vụ phá rừng, với diện tích bị lấn, chiếm lên đến hơn 360ha.
Trong năm 2023, rừng bị phá nhiều nhất với hơn 300 vụ, diện tích rừng bị phá lên đến khoảng 100ha. Những diện tích bị lấn, chiếm thường được trồng cây ngắn ngày như sắn, ngô, đậu… rồi bị buôn bán bất hợp pháp, khiến cho việc quản lý càng thêm khó khăn.