Tôi có biết một người thường hay dùng các thông tin không chính xác, thủ đoạn gian dối để lừa đảo người khác mua bán đất. Tôi có thể đưa thông tin, hình ảnh người này lên mạng xã hội để cảnh báo mọi người được không?
Chị Ngô Hồng M. (Đắk Lắk) gửi câu hỏi.
Luật gia Phạm Văn Chung (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum) trả lời về việc sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác trên mạng xã hội như sau:
Theo điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Trong đó, trường hợp sử dụng hình ảnh của cá nhân để đăng lên mạng kèm theo đó là nội dung bịa đặt, sai sự thật, vu khống… là một trong các hành vi vi phạm pháp luật.
Mặt khác, pháp luật cũng quy định 2 trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân mà không cần sự đồng ý của người đó là: hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Do đó, trường hợp nghi ngờ ai đó có hành vi lừa đảo và chứng minh được hành vi lừa đảo đó, người dân có thể đăng hình ảnh người này lên mạng để cảnh giác với bạn bè, người thân hoặc để tìm ra đối tượng lừa đảo.
Bởi việc đăng ảnh đối tượng lừa đảo trong trường hợp này được coi là sử dụng hình ảnh cá nhân vì lợi ích cộng đồng.
Bên cạnh đó, mọi người cũng có thể đăng lại những hình ảnh đã được đưa tin bởi các trang thông tin chính thống như: Thông tin Chính phủ, Cổng thông tin của các cơ quan nhà nước, cơ quan công an… Đây là việc làm cần thiết để phòng ngừa, ngăn ngừa hành vi vi phạm của kẻ xấu, tội phạm.
Lưu ý: Hình ảnh và nội dung kèm theo cần phải đúng sự thật, không được thêm bớt thông tin hay có yếu tố bịa đặt.
Trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân phải cần xin phép hoặc khi chưa được người đó cho phép thì được xác định là sử dụng trái phép hình ảnh của người khác.
Khi đó, người đăng thông tin, hình ảnh có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Cụ thể:
* Đối với xử phạt hành chính: – Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng: Nếu tiết lộ thông tin về bí mật đời tư của cá nhân (trong đó có sử dụng hình ảnh của người khác mà không được cho phép), nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự (khoản 2, điều 101 nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ);
– Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng: Nếu sử dụng trái phép hình ảnh người khác nhằm mục đích vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người có hình ảnh (điểm e, khoản 3, điều 102 nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ).
* Đối với chịu trách nhiệm hình sự: Tùy vào mục đích của việc sử dụng hình ảnh người khác trên mạng xã hội, người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với tội danh tương ứng.
Trong đó, thông thường được xác định là tội “làm nhục người khác” tại điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt cao nhất là 5 năm tù giam hoặc tội “vu khống” tại điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định hành vi vu khống người khác có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng và phạt tù với mức cao nhất là 7 năm tù giam.
Như vậy, việc đăng tải hình ảnh người nghi ngờ là kẻ xấu lừa đảo lên mạng xã hội nhằm cảnh báo mọi người là cần thiết, nên làm.
Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ trước khi đăng ảnh sẽ rất dễ phạm luật, nên chị phải hết sức thận trọng.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân – gia đình, kinh doanh – thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế…, chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected]