Phát cáu vì những cuộc gọi mời chứng khoán “giữa trưa, đêm tối”
Anh Hồng Thắm (ngụ quận Hà Đông, Hà Nội) phát bực vì vừa chợp mắt giờ nghỉ trưa thì nghe tiếng chuông điện thoại đổ. Nhấc máy vì lo có việc gấp phát sinh, nhưng giọng bên kia lại là một người tự xưng nhân viên chứng khoán SSI và xin vài phút chia sẻ về cơ hội đầu tư… khiến anh Thắm “bốc hỏa”.
Còn anh Quang Tuân (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng cho biết liên tục nhận được những cuộc gọi rác từ các công ty bảo hiểm, chứng khoán, đầu tư tài chính, ngân hàng… trong 2 tháng gần đây.
Thường xuyên bị “khủng bố” bằng cuộc gọi rác, anh Bảo Chương (TP Thủ Đức) cho biết đa phần đến từ các công ty tài chính cho vay, đầu tư chứng khoán quốc tế, công ty bất động sản, bán thẻ thành viên của các công ty du lịch…
“Là người làm công việc thường xuyên giao tiếp nên tôi buộc phải nghe điện thoại của khách hàng, nhưng gần đây tôi thấy số lạ thì phải tắt luôn, vì sợ nghe các cuộc gọi rác. Cứ chặn số này thì số khác lại gọi đến.
Bực bội nhất là những cuộc gọi vào lúc đang nghỉ ngơi. Đúng là kiểu khủng bố tinh thần. Số điện thoại làm ăn không nghe không được, nhiều khi đang có việc gấp mà có cuộc gọi, bấm nghe thì gặp quảng cáo”, anh Chương phản ánh.
Trên các diễn đàn chứng khoán, vô số nhà đầu tư than thở việc bị làm phiền giờ ngủ, giờ nghỉ, thậm chí có cả cuộc gọi ban đêm… để mời đầu tư.
Có người tự xưng là nhân viên MBS, một số khác từ VPS, SSI, VNDirect… gần như đủ công ty chứng khoán trên thị trường, đặc biệt những thương hiệu nổi tiếng. Các công ty chứng khoán cũng liên tục phát đi các cảnh báo giúp khách hàng nhận diện được cuộc gọi lừa đảo.
Liên tục giả danh tỉ phú, “trùm” chứng khoán
Vấn nạn lừa đảo thời 4.0 không chỉ khiến người dân, nhà đầu tư mệt mỏi mà chính các công ty cũng “đau đầu” vì ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín.
Đại diện Công ty CP Chứng khoán SSI cho biết, vừa phát hiện một nhóm chat Zalo mạo danh chủ tịch HĐQT công ty này. Cụ thể, đối tượng lập tài khoản có tên Nguyễn Duy Hưng trên nền tảng Zalo để đưa ra các nhận định, tư vấn.
Từ nền tảng Zalo, đối tượng tiếp tục điều hướng vào nhóm kín trên nền tảng Telegram. Tại đây, đối tượng sử dụng công nghệ AI tạo hình ảnh, video giả mạo chủ tịch Nguyễn Duy Hưng tư vấn đầu tư chứng khoán nhằm dụ dỗ nhà đầu tư vào cạm bẫy.
Đại diện Chứng khoán SSI khẳng định, ông Hưng chỉ sở hữu một tài khoản tích xanh duy nhất trên nền tảng Facebook. Đồng thời ông Hưng chỉ bày tỏ quan điểm cá nhân, không để tư vấn hoặc tham gia bất kỳ hội nhóm nào.
Phía SSI khuyến nghị nhà đầu tư tăng cường cảnh giác, tỉnh táo khi thực hiện các thao tác trên môi trường số nhằm phòng tránh các hình thức lừa đảo. Đặc biệt, không truy cập các đường link lạ trên các trang mạng xã hội, liên kết trong tin nhắn SMS, email lạ, không rõ nguồn gốc.
“Cảnh giác trước các số điện thoại giả mạo, không được công bố trên các kênh truyền thông chính thức, tự xưng là thành viên công ty chứng khoán mời chào tham gia các nhóm hỗ trợ đầu tư”, theo đại diện SSI.
Không chỉ SSI, phía Chứng khoán MB (MBS) cũng phản ánh các đối tượng lập nhóm/nick Zalo “ảo”, đồng thời sử dụng hình ảnh, tên tuổi, kinh nghiệm làm việc, tiểu sử của ban lãnh đạo cấp cao MBS để xưng “thầy”hay “chuyên gia tư vấn”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Phùng Thị Thanh Hà – phó tổng giám đốc phụ trách hoạt động quản trị rủi ro của Chứng khoán MB (MBS), cho biết người dùng có thể nhận diện lừa đảo đầu tư thông qua một số “mẹo”.
Cụ thể theo bà Hà, bản giới thiệu của đối tượng lừa đảo có những từ như “nhà đầu tư lão luyện”, “chuyên gia forex”, “thầy/ chuyên gia đầu tư hàng đầu Việt Nam”. Đi kèm với các “thầy/chuyên gia” là các “trợ lý” và một loạt các “nick ảo” tự xưng là các nhà đầu tư và tích cực trao đổi các thông tin về thị trường tài chính.
Tuy nhiên, bà Hà nói, nếu để ý kỹ thì các “nick ảo” này thường sử dụng các đoạn tin nhắn đã chuẩn bị theo kịch bản trước đó dẫn đến có những thời điểm cùng một nội dung tin nhắn sẽ có nhiều “nick” cùng nhắn trên room. Hãy chú ý đến những từ ngữ này và cảnh giác khi được mời gia nhập các hội nhóm trực tuyến.
Trước đó, đại diện Tập đoàn Hòa Phát cũng phát hiện nhiều cá nhân/tổ chức mạo danh họ để lừa đảo, thu lợi bất chính bằng nhiều thủ đoạn như mời tuyển dụng, kêu gọi đầu tư vào dự án.
Thậm chí các đối tượng còn giả mạo chữ ký của ông Trần Đình Long – chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát. Hòa Phát khẳng định không kêu gọi đầu tư vào bất kỳ một dự án nào của tập đoàn.