Đề xuất được TS Ong Quốc Cường (Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế – IRRI) đưa ra trong buổi tọa đàm về lương thực thực phẩm phát thải thấp diễn tại TP.HCM vào chiều 23-8.
Theo ông Cường, giải pháp này phù hợp với sự phát triển của Internet ở Việt Nam hiện nay khi dùng dữ liệu để quản lý hoạt động trên đồng ruộng của nông dân.
“Hiện tại, không có quốc gia hoặc sáng kiến nào thu thập dữ liệu về các hoạt động quản lý đồng ruộng liên quan đến khí thải ở quy mô lớn hoặc thường xuyên. Mỗi đợt kiểm kê về khí nhà kính quốc gia đều dựa trên dữ liệu mẫu nhỏ và các giả định về thực hành của nông dân”, ông Cường nói.
Để làm được điều đó, theo ông Cường, cần có các dữ liệu về số ngày từ khi gieo sạ đến khi thu hoạch, năng suất (tấn/ha), thời gian ngập nước trước vụ và vùi rơm trước khi xuống giống, lượng rơm vùi, lượng phân đạm (kg phân đạm/ha)…
Hiện nay, nhiều phần mềm và ứng dụng máy tính đang hỗ trợ nông dân tính toán những chỉ số này với công nghệ không quá phức tạp, lại dễ dàng áp dụng.
Ngoài ra ông cho rằng với các giống 100 ngày trở xuống, từ giai đoạn xuống giống tới thu hoạch, nông dân nên áp dụng phương pháp để đồng xen kẽ ngập 3 – 5cm 5 – 7 ngày, khô 5 – 7 ngày nhưng giữ cho đồng có độ ẩm phù hợp. Nhờ đó có thể tiết kiệm chi phí từ việc sử dụng phân bón có hiệu quả, làm giảm tới 33% lượng phát thải…
Tại tọa đàm, PGS.TS Kha Chấn Tuyền – phó trưởng khoa công nghệ hóa học và thực phẩm, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM – cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đầu tiên có các tỉnh ký cam kết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo ông, để giảm phát thải, Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay có ba vấn đề cần giải quyết là cơ giới hóa và công nghiệp chế biến, áp dụng mô hình phù hợp cho sản xuất nông nghiệp bền vững.
“Giai đoạn 2016 – 2019, Đồng bằng sông Cửu Long không có tăng trưởng về số lượng máy móc thiết bị và đa phần nông hộ không có ý định đầu tư máy móc trong sản xuất nông nghiệp. Trong các tỉnh được khảo sát, tỉ lệ cơ giới hóa cao nhất ở tỉnh An Giang, tiếp theo sau là Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Hậu Giang”, PGS.TS Kha Chấn Tuyền cho biết.
Theo TS Phạm Thu Thủy – chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR), Đại học Adelaide (Úc), năm 2020 riêng ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã chiếm tỉ lệ phát thải lớn nhất trong lượng phát thải của hệ thống lương thực thực phẩm, lên tới 34%. Giai đoạn 2010 – 2020, tỉ lệ phát thải của hệ thống lương thực thực phẩm tăng 8%.
Theo bà, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong hệ thống lương thực thực phẩm phát thải thấp trên toàn cầu, chỉ chiếm 1% lượng phát thải nhưng tốc độ rất nhanh chóng.
Riêng Đồng bằng sông Cửu Long là trọng điểm sản xuất lương thực thực phẩm, đã chiếm khoảng 50% sản lượng lúa và 95% lượng gạo xuất khẩu trong cả nước, nên việc quan tâm giảm lượng phát thải của ngành lúa gạo trong hệ thống lương thực thực phẩm rất quan trọng.