Phản ánh tới Tuổi Trẻ Online, bà N.T.P.K (57 tuổi, ngụ phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết bị một đơn vị thông hút hầm cầu “lừa” số tiền hơn 10 triệu đồng.
Đường ống 6m, nhân viên “hô biến” thành 19m
Bà K. kể do căn hộ của bà bị nghẹt bồn cầu nên tối 31-8 bà có lên mạng để tìm thợ tới làm. Khi đang mày mò thì bất ngờ có một số điện thoại gọi tới nhận là bên công ty hút hầm cầu rồi hỏi về tình trạng của nhà bà.
Lúc này bà K. thắc mắc tại sao lại biết số điện thoại của bà để gọi tới thì người đàn ông đầu dây bên kia nói là thấy bà K. tìm kiếm trên mạng nên có số.
Người này xin địa chỉ nhà, hẹn sẽ cho nhân viên tới khảo sát rồi báo giá.
Sáng 2-9, một người đàn ông tên T. tới căn hộ của bà K. nhận mình là bên đơn vị thông hút hầm cầu. Ông T nói sẽ tiến hành kiểm tra, nếu hầm cầu chỉ bị nghẹt ở vị trí của bồn cầu thì chi phí tiền công là 800.000 đồng.
Còn nếu bị nghẹt dưới đường ống thì ông T. sẽ dùng đường dây để thụt xuống cho đến vị trí bị nghẹt. Cứ theo mét tính tiền, một mét là 750.000 đồng.
Thấy giá cao nên bà K. trả xuống còn 650.000 đồng/mét thì ông T. đồng ý.
Sau khoảng vài phút làm việc, hầm cầu nhà bà K. được thông. Ông T. báo 19 mét, tổng số tiền hơn 12 triệu đồng.
Bà K. trả giá xuống, cuối cùng hai bên chốt giá 10,5 triệu. Bà K. nhờ con gái chuyển khoản cho ông T. 10 triệu đồng, rồi bà đưa thêm 500.000 đồng tiền mặt còn lại cho ông T.
Trước khi rời đi ông T. còn nói sẽ bảo hành cho nhà bà 3 tháng. Bà K. hỏi sao không thấy ghi nội dung bảo hành trong hóa đơn thì ông T. nói bà K. “tự lấy viết ghi vào đi”.
Hôm sau bà K. gặp nhân viên kỹ thuật của chung cư hỏi ra mới biết đường ống hầm cầu căn hộ của bà chỉ dài khoảng vài mét chứ không có chuyện 19m như ông T. đã báo.
“Biết mình bị lừa, tôi gọi điện cho người lần đầu gọi tới cho tôi thì họ nói sẽ kiểm tra lại xem nhân viên nào làm. Một lúc sau ông T. gọi tới cho tôi. Tôi yêu cầu trả lại tiền, nếu không sẽ trình báo công an thì ông T. thách tôi cứ kiện đi” – bà K. kể.
Người bị tố thu tiền cao nói gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại điện ban quản lý chung cư nơi bà K. ở cho biết theo bản vẽ hoàn công căn hộ nhà bà K, đường ống hầm cầu căn hộ của bà K chỉ dài khoảng 6m.
Trong khi đó, theo thông tin trên hóa đơn thu tiền ông T. cung cấp cho bà K, công ty này có tên đầy đủ là Công ty TNHH môi trường đô thị Cienco, địa chỉ 1450 đường Phạm Văn Đồng, phường Linh Tây, TP Thủ Đức.
Thế nhưng khi chúng tôi tìm tới địa chỉ này thì không có thực. Khu vực này cũng không có công ty môi trường đô thị hoặc công ty thông hút hầm cầu nào.
Đại diện UBND phường Linh Tây, TP Thủ Đức cho biết trên địa bàn phường hiện không có địa chỉ 1450 đường Phạm Văn Đồng. Đồng thời dữ liệu quản lý của Sở Kế hoạch – đầu tư và của Chi cục Thuế cũng không có tên Công ty TNHH môi trường đô thị Cienco.
Phường sẽ chuyển thông tin cho cơ quan chức năng tìm hiểu về công ty này.
Sáng 22-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online qua điện thoại, ông T. (người đã thông đường ống nhà bà K) cho biết trước khi tiến hành làm đã trao đổi, báo giá cho gia đình bà K., quá trình làm có sự chứng kiến của chủ nhà.
“Tôi làm xong, gia đình họ vẫn thanh toán tiền mà không ý kiến gì. Mấy ngày sau thì bà K. gọi điện thoại nói tôi lừa đảo, đề nghị trả lại tiền nếu không sẽ kiện. Tôi nói cô cứ kiện đi, con sẽ đi hầu” – ông T nói.
Giải thích vì sao đường ống hầm cầu chỉ dài khoảng 6m nhưng lại phải thông tới 19m, ông T. nói do làm nhiều nhà nên giờ không nhớ chính xác đã thông nhà bà K. bao nhiêu mét.
Ông T. cho biết loại dây ông dùng để thông đường ống là dây kẽm, co giãn như chiếc lò xo, nên có thể khi gặp chỗ bị nghẹt, gặp vật cứng đường ống sẽ dồn ép lại.
Còn về việc thông tin địa chỉ trên hóa đơn, ông T. nói hóa đơn này không phải của ông.
“Hôm đó tôi hết hóa đơn thì đứa em đi làm chung nói em còn một phiếu rồi đưa cho tôi để ghi lại thông tin và đưa cho bà K., còn công ty tôi địa chỉ ở ngoài Hà Nội. Đứa em này là người quen học việc lúc trước, thỉnh thoảng tôi hay gọi em đi làm chung chứ không phải là người của công ty tôi” – ông T. giải thích.