ESG – chìa khóa đưa nông sản chinh phục thị trường EU

Các quỹ tài chính quốc tế cũng như đối tác nước ngoài, nhất là thị trường EU như Đức, Thụy Sĩ rất quan tâm đến chứng nhận ESG. Ngược lại, nông sản có ESG được bán với giá rất cao – Ảnh: T.Y.

Đây là công cụ giúp doanh nghiệp thể hiện cam kết trách nhiệm xã hội của mình cho các nhà đầu tư, khách hàng và các bên liên quan.

Doanh nghiệp nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam – Công ty cổ phần Phúc Sinh – vừa được Quỹ đầu tư &Green (Hà Lan) rót 25 triệu USD trong bảy năm. Chìa khóa duy nhất để công ty này có “quả ngọt” chính là ESG.

ESG hiện được ví như vé thông hành vào thị trường châu Âu. Vậy làm thế nào để sở hữu được ESG? Ông PHAN MINH THÔNG – chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh – đã có cuộc chia sẻ với Tuổi Trẻ về con đường xây dựng ESG cũng như tiềm năng thị trường khắt khe như châu Âu với nông sản Việt.

Có chứng nhận hàng bán được nhiều tiền

ESG - chìa khóa đưa nông sản chinh phục thị trường EU - Ảnh 2.

Ông PHAN MINH THÔNG

* Ông có thể thông tin cơ bản về ESG? Được rót 25 triệu USD, con số mơ ước của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt, vậy có được ESG có dễ dàng?

– ESG là báo cáo đánh giá, công bố các hoạt động của một doanh nghiệp trong ba lĩnh vực: môi trường (environmental), xã hội (social) và quản trị (governance). Hiện nay không ít doanh nghiệp đang tự công bố như một cam kết về năng lực và văn hóa doanh nghiệp để gọi vốn và vay vốn.

Bây giờ thị trường nói rất nhiều về ESG, nhưng thực sự hiểu biết nó như thế nào thì rất ít. Chúng tôi có một cơ hội làm việc với các tổ chức ESG trong một thời gian rất lâu, 14 năm về trước. Quan tâm nó từ năm 2008, năm 2010 bắt đầu làm. Dự án phát triển bền vững, là một phần của ESG, bao gồm Certified (chứng nhận một sản phẩm để biết được chất lượng).

Bây giờ có rất nhiều công ty làm được chứng nhận này, đặc biệt là công ty xuất khẩu, chứ các công ty nội địa rất ít làm vì tốn kém. Hơn nữa, người tiêu dùng Việt Nam chưa hiểu, chưa đánh giá được nếu một công ty có chứng nhận Certified. Còn trên thế giới thì nó rất thịnh hành và đặc biệt là tại châu Âu thịnh hành từ khoảng 10 – 15 năm về trước.

Tôi tự làm, không có tài trợ. Năm 2010 bỏ ra 5 tỉ đồng để làm chứng nhận Certified, từ thuê chuyên gia tư vấn, công cụ… kéo dài trong hai năm. Sau hai năm, tôi… thất bại. 

Lý do: rất khó làm việc với hàng trăm, hàng nghìn hộ nông dân trên diện rộng, chưa kể tập quán của nông dân tại các vùng trồng khác nhau. Phải hiểu được nông dân mới là mấu chốt, có bộ phận quản trị, công cụ đầy đủ.

Đến năm 2014 tôi mới thành công, mới thực sự có chứng nhận để làm “vé thông hành” cho cơ hội gọi vốn cũng như phát triển doanh nghiệp.

* Có phải do “đi trước một bước” mà ông sở hữu được ESG, trong khi các doanh nghiệp mới bắt đầu?

– Không. Tôi không tài giỏi như thế. Xuất phát từ khách hàng. Năm 2008, tôi có bán nông sản Việt cho công ty ở Hà Lan. Công ty này bán lại cho công ty thứ hai. Công ty thứ hai này nói với họ đến năm 2015, 50% sản phẩm trên kệ cần có chứng nhận Certifiled.

Việc này nhà cung cấp phải làm, chứ không ai làm được. Chỉ vì lời hứa với khách hàng và niềm tin có chứng nhận bán sản phẩm sẽ được nhiều tiền hơn, tôi bắt đầu xây dựng ESG.

Thực tế khi tôi có 1.000 tấn sản phẩm có chứng nhận Certified, tôi bán được nhiều tiền hơn. Cứ 1 tấn cộng thêm 150 – 250 USD và có rất nhiều khách hàng khác nhau.

* Rất nhiều doanh nghiệp quan tâm và muốn có được chứng nhận ESG, ông có thể chia sẻ những lưu ý khi tiến hành thực hiện ESG?

– Khi gọi vốn, doanh nghiệp phải làm hồ sơ báo cáo. Nhiều tổ chức tài chính quốc tế đến thẳng vùng trồng kiểm tra, để thấy rằng việc này rất khó. Chưa kể chứng nhận này một năm phải làm lại một lần và tốn tiền. Làm phát triển bền vững có ba yếu tố quyết định: định hướng, kiên nhẫn và tiền.

Ngoài ra, phải làm tốt về vấn đề phát triển địa phương, có đóng góp cho chính quyền địa phương. Nghĩa là phải có đóng thuế, bảo vệ tài nguyên nước… Quan điểm của tôi là mình làm ở vùng nào thì mình phải sống với vùng đó. Có thể không hoàn hảo nhưng mỗi một năm mình tiến bộ lên, khắc phục những cái tổn thất khi thải ra môi trường. Doanh nghiệp phải thân thiện với môi trường thì đồng nghĩa phải chịu rất nhiều chi phí.

ESG - chìa khóa đưa nông sản chinh phục thị trường EU - Ảnh 3.

Nhà máy chế biến tiêu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU – Ảnh: T.Y.

ESG là một quá trình chứ không phải đích đến

* Có doanh nghiệp nói mình không có điều kiện nên ESG là điều xa vời, ông nghĩ như thế nào?

– Phúc Sinh là công ty tư nhân, tay trắng, không có tiền vào TP.HCM lập nghiệp. Quan điểm của tôi làm gì cũng thân thiện môi trường. Tôi có nhiều nhà máy sản xuất chế biến, đi liền xử lý rác thải. Quan điểm này không tốn kém, hành động mới tốn kém.

ESG là một quá trình chứ không phải đích đến. Chẳng hạn lợi nhuận 10 đồng, tôi lấy 1 – 2 đồng tái đầu tư môi trường. Các công ty nói không có tiền là không đúng, chỉ là giữa chi phí và chi tiêu chưa có quan điểm mà thôi.

Không phải chứng nhận Certified nào cũng mất tiền. Ví dụ như GAP, GlobalGAP không tốn nhiều tiền. GAP làm tiền đề cho chứng nhận Certified, khi nộp hồ sơ rất thuận lợi. Hơn nữa, khi đã triển khai được chứng nhận lần 1, thuê từ các chuyên gia hướng dẫn, lần sau mình tự triển khai. Hiểu nôm na là mình đến trung tâm luyện thi nhưng sau một thời gian có thể tự luyện tại nhà. Chúng tôi cũng thế, tự xây dựng các bộ quy tắc, điều này rất quan trọng.

* Muốn được các quỹ tài chính lớn ở châu Âu nói riêng, thế giới nói chung chú ý quan tâm tài trợ, doanh nghiệp Việt phải làm thế nào, thưa ông?

– Nói thẳng ra, nếu không phát triển bền vững thì không nhận được đầu tư vốn. Có thể một công ty nào đó làm ăn rất thành công, giàu có hoặc bình thường nhưng trước hết là các quỹ tài chính chỉ nhận công ty có concept (ý tưởng, kế hoạch – PV) về ESG, có hệ thống cụ thể trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình.

Khi hỏi họ là có phải họ chọn Việt Nam hay không, câu trả lời rất rõ rằng họ chỉ chọn công ty chứ không phải là chọn Việt Nam.

Tôi thông qua một công ty của Mỹ là IRM (Iron Mountain Inc, là công ty dịch vụ quản lý thông tin doanh nghiệp của Mỹ được thành lập năm 1951, có trụ sở chính tại Boston – PV) do Quỹ &Green giới thiệu. Họ lấy 80.000 USD tư vấn cho một lần. Họ ngồi lại với mình để thẩm định và tài trợ như thế nào, mất 26 tháng và tính từ lúc hoàn thành đến giải ngân là một tháng.

Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt nếu có ESG, tìm một cơ hội gọi vốn có thể qua đầu mối này.

ESG - chìa khóa đưa nông sản chinh phục thị trường EU - Ảnh 4.

Nguồn: Bộ NN&PTNT. Số liệu: THẢO THƯƠNG – Đồ họa: TẤN ĐẠT

Đưa “mỏ vàng” nông sản Việt đi xa

* Vì sao ông chọn đưa nông sản Việt đánh mạnh vào các thị trường khắt khe, khó có được thị phần?

– Các văn phòng đại diện tập đoàn nước ngoài ở trong nước rất nhiều, nhưng tôi nghĩ bán cho họ sẽ không có lời. Tôi tìm cách bán xuyên “vòng kim cô”. Tôi bán sang Singapore và Hong Kong, tìm cách sang châu Á và bây giờ là châu Âu. Riêng tiêu xuất khẩu chiếm 8% thị phần toàn cầu.

Tôi luôn tập trung vào châu Âu đầu tiên, 40 – 50% doanh số từ châu Âu, thị trường “ruột” là Đức và Thụy Sĩ – những nước khó và top trên thế giới, có 27 nước. Tôi có được lợi thế là do đi nhiều, tham gia nhiều hội thảo quốc tế, bán cái này dắt mối cái kia.

Chẳng hạn ở nước ngoài, công ty sản xuất nông nghiệp có phòng thí nghiệm. Việt Nam không có. Tôi về mở phòng thí nghiệm. Có nhiều dòng sản phẩm nhờ đi mà có như tiêu sấy lạnh, nước sốt tiêu, cà phê Arabica…

* Ông đánh giá thế nào tiềm năng nông sản Việt với thị trường nước ngoài, nhất là thị trường khó tính, khắt khe?

– Sau đại dịch, tất cả công ty trên thế giới đều quan tâm đến nông nghiệp, thực phẩm và Việt Nam ngồi trên “mỏ vàng”. So với Singapore, Dubai, Hong Kong, họ không có gì để bán. Việt Nam mỗi năm sản xuất nhiều tỉ đô cà phê rồi gạo, tiêu, dừa, hạt điều… Đó là những “mỏ vàng”. Các tập đoàn đến Việt Nam vô cùng nhiều, các quỹ săn lùng các công ty thực phẩm ở Việt Nam cũng không ít.

Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn và quan trọng của Việt Nam, nhất là từ tháng 8-2020 khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực với lợi thế ưu đãi về thuế quan. Dư địa xuất khẩu nông sản sang EU còn rất mạnh.

Tuy nhiên, đây cũng là thị trường nhiều thách thức khi liên tục thay đổi các biện pháp về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật cũng như đi đầu trong các xu hướng chuyển đổi nông nghiệp xanh. Các doanh nghiệp, các ngành hàng phải linh hoạt thích ứng để xuất khẩu bền vững, cập nhật thay đổi, yêu cầu an toàn thực phẩm và chống phá rừng cao…

ESG - chìa khóa đưa nông sản chinh phục thị trường EU - Ảnh 5.

Mấu chốt của việc xây dựng báo cáo phát triển bền vững là phải hiểu và quản trị nông dân, phải tập huấn để doanh nghiệp và nông dân liên kết để tạo ra sản phẩm đạt chuẩn – Ảnh: T.Y.

30 năm không thay đổi tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm

Ông Phan Minh Thông cho rằng 30 năm Việt Nam không thay đổi tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm khiến doanh nghiệp nông nghiệp bị định giá thấp, khó gọi vốn. “Các nước trên thế giới thay đổi về chất lượng khủng khiếp. Riêng Hàn Quốc và Đài Loan “bê” nguyên xi tiêu chuẩn chất lượng mới ở các nước châu Âu đã thẩm định.

Mỗi nước có tiêu chuẩn riêng, phù hợp. Ví dụ bán sang đạo Hồi có chứng nhận HalaI, sang Mỹ có chứng nhận FDA, yêu cầu tất cả chứng chỉ phù hợp vệ sinh an toàn thực phẩm.

Khi gọi vốn, các công ty nông nghiệp ở Việt Nam bị nước ngoài định giá thấp. Trong khi các công ty ở Philippines, Indonesia, Thái Lan được định giá cao. Lý do: Việt Nam không có công ty ngành nông nghiệp, chỉ có công ty mua bán ngành bán lẻ, không có kiến thức làm nông nghiệp, không có yêu cầu chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng…” – ông Thông nhấn mạnh.

Đầu tư phát triển bền vững, xu hướng tất yếu

Theo lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), mỗi năm EU nhập khẩu khoảng 290 tỉ USD các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Trong đó có đến 184 tỉ USD là các loại nông sản chính, thủy sản 47 tỉ USD, gỗ và sản phẩm gỗ 59 tỉ USD. Đây không chỉ là thị trường tiềm năng về giá trị kim ngạch mà việc đủ điều kiện xuất khẩu vào EU sẽ giúp nông sản Việt dễ dàng đến được nhiều quốc gia, khu vực khác.

Đây là thị trường có các yêu cầu về chất lượng khắt khe bậc nhất thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam phải thích ứng, có kế hoạch thực hiện những hoạt động liên quan đến phát triển bền vững, thay đổi cả trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu từ EU như một xu hướng tất yếu.

Hiện nay, Việt Nam mới đăng ký hai thương hiệu quốc gia cho hàng nông sản là thương hiệu gạo và cao su. Hơn 80% lượng nông, thủy sản xuất khẩu sang EU chưa xây dựng được thương hiệu, đều bị gắn dưới tên thương hiệu của EU, mức độ nhận diện nông sản Việt của người tiêu dùng EU bị hạn chế.

Có ESG sẽ thuận lợi trong bán hàng

ESG - chìa khóa đưa nông sản chinh phục thị trường EU - Ảnh 3.

Ông Đặng Bùi Khuê – giám đốc phát triển bền vững TUV NORD Việt Nam – đánh giá hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang làm báo cáo ESG không hấp dẫn do họ không thực sự hiểu về nó.

“Trong khi các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ đang ngày càng ưu tiên các sản phẩm có chứng nhận ESG. Doanh nghiệp thực hiện tốt ESG sẽ có lợi thế cạnh tranh và tiếp cận được nhiều thị trường hơn. EU đang thực hiện chiến lược Farm to Folk (từ nông trại đến bàn ăn – PV) cho ngành thực phẩm.

Trong chiến lược này có những yêu cầu liên quan đến bền vững trong nông nghiệp và thực phẩm. Nhưng số lượng báo cáo ESG ngành nông sản xuất khẩu Việt chưa nhiều” – ông Khuê nói.

Theo ông Khuê, lý do vì ngành nông sản chưa thuộc nhóm bắt buộc báo cáo phát triển bền vững (trừ các doanh nghiệp lớn và bán hàng vào các chuỗi cung ứng lớn toàn cầu). Chi phí cho việc thực hiện ESG đúng bản chất của nó khá cao vì đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ từ cơ sở hạ tầng, con người, các chương trình hỗ trợ cộng đồng, sự phối hợp của chuỗi cung ứng.

Nhân lực hiểu về ESG trong lĩnh vực nông sản còn thấp nên khó tìm kiếm được nhân sự phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp.

ESG - chìa khóa đưa nông sản chinh phục thị trường EU - Ảnh 3.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thứ – giám đốc Công ty GC Food (Đồng Nai) – cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng ESG nhưng đến năm 2025 mới được cấp chứng nhận.

Làm được chứng nhận này rất khó khăn, đòi hỏi từ tài chính đến thuê đơn vị tư vấn, xây dựng báo cáo, đưa ra các giải pháp tiết kiệm nguyên liệu, bảo vệ môi trường…

Hiện nha đam và thạch dừa chúng tôi xuất sang 20 thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Trung Đông và vài nước châu Âu. Các nước châu Âu chưa yêu cầu có ESG nhưng có đặt câu hỏi.

Họ không bắt buộc chúng tôi có ngay nhưng doanh nghiệp phải chuẩn bị vì ESG có là rất thuận lợi trong bán hàng. Đây là xu hướng, tôi nghĩ doanh nghiệp nông nghiệp xuất khẩu phải chuyển hướng nếu muốn xuất khẩu khởi sắc” – ông nói.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *