Gần 50 năm chung sống, bỗng dưng ra tòa chia tay nhau ở tuổi xế chiều

Để được sống cho chính mình, nhiều người lớn tuổi đã đi du lịch đến những nơi mình yêu thích – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại sao họ có thể chịu đựng nhau 40 – 50 năm sống chung cùng chăm sóc con cái, nhưng đến tuổi 60 – 70 họ lại quyết định chia tay nhau?

Những mái đầu hoa râm ra tòa

Nhiều người ngạc nhiên đến thảng thốt khi hay tin ông Văn Luân và bà Thanh Vân (cùng 70 tuổi, ngụ Q. Long Biên, Hà Nội) đường ai nấy đi sau gần nửa thế kỷ chung sống. Bởi trong mắt từ người thân, bạn bè cho tới hàng xóm, ông bà là một cặp đôi mà ai cũng ngưỡng mộ.

Dù có tuổi nhưng ông bà cứ như đôi vợ chồng son, đi đâu cũng có nhau. Gia đình yên ấm, con cái hòa thuận, sự nghiệp thành công. Nhưng theo lời ông thì tất cả chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài. Những hình ảnh có vẻ hoàn hảo ấy là vai diễn mà cả bà lẫn ông đã cố gắng thể hiện một cách trọn vẹn trong suốt nhiều năm qua.

Ông Luân chia sẻ: “Thôi thì đến tuổi này mỗi người mỗi tính, khó mà làm vừa lòng nhau. Cũng chẳng nên kể lể, moi móc những điều chưa tốt của nhau ra làm gì. Tự mỗi người cố gắng sống tốt, theo đuổi những thú vui lành mạnh, đừng để ảnh hưởng hay làm phiền đến con cháu là được rồi. Dù chia tay nhưng chúng tôi vẫn là bố mẹ của các con, là ông bà của các cháu và là luôn coi nhau như bạn bè”.

“Các con chúng tôi ban đầu phản đối kịch liệt khi biết bố mẹ dắt nhau ra tòa. Nhưng khi cân nhắc thiệt hơn, các con lại ủng hộ. Chúng tôi chia tay trong văn minh. Sau khi ly hôn thì vẫn ở chung một nhà nhưng mỗi người ở mỗi tầng, người này không xen vào chuyện cuộc sống của người kia, thế thôi”, bà Vân giải thích thêm.

Cũng chia tay ở cái tuổi không còn trẻ nữa, hoàn cảnh của bà Ngọc Mai (63 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) đi cùng cái kết không trọn vẹn. Những tưởng sau khi nghỉ hưu, vợ chồng thêm nhiều thời gian để đi đây đi đó, làm những việc cả hai từng ao ước. Không ngờ do mục tiêu và sở thích của mỗi người quá khác biệt đã đẩy họ ngày càng xa nhau.

Bà thì ham học hỏi nên đăng ký học thêm ngoại ngữ và đại học văn bằng 2, tham gia các hoạt động thiện nguyện. Còn ông thì mê quần vợt nên suốt ngày cứ vác vợt ra sân, bất kể buổi nào. Một thời gian sau, mọi thứ mới vỡ ra là ông có người phụ nữ khác cùng đứa bé đang học mầm non.

Để được sống cho chính mình

Ly hôn ở tuổi xế chiều còn được gọi bằng những thuật ngữ khác như “ly hôn xám”, “ly hôn hoa râm” để chỉ những cặp đôi từ 50 tuổi trở lên.

Thực tế là ly hôn xám đang ngày trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia. Theo báo cáo từ năm 2017 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, tỉ lệ ly hôn ở người từ 50 tuổi trở lên tại Mỹ đã tăng gần gấp đôi sau ba thập niên.

Khảo sát của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc năm 2019 chỉ ra rằng hơn 40% số người ở độ tuổi trung niên nước này cho biết muốn ly hôn. Trong hai thập niên qua ở Nhật Bản, ly hôn ở các cặp vợ chồng kết hôn được 30 năm trở lên tăng gấp 4 lần.

Còn tại Việt Nam, kết quả từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho biết số dân đã ly hôn hoặc ly thân chiếm 2,1% tổng dân số. Cũng theo phân tích từ cuộc tổng điều tra này, các cặp vợ chồng ở độ tuổi trên 50 tuổi chiếm khoảng 10% số cặp đã ly hôn.

Nhiều nguyên nhân đưa đến tỉ lệ ly hôn hoa râm ngày một phổ biến trong những năm gần đây. Bởi cuộc sống biến chuyển không ngừng đã kéo theo nhiều thay đổi từ nhận thức cho đến mục tiêu của cuộc sống lứa đôi.

Nếu ngày xưa thanh niên lớn lên phải yên bền gia thất mới được coi là trưởng thành, vợ chồng sống cạnh nhau đến tận lúc răng long đầu bạc mới là có phúc. Ngày nay hạnh phúc cá nhân được đặt lên hàng đầu, chuyện lập gia đình trở thành thứ yếu. Ngay cả những người cao tuổi cũng ý thức việc mưu cầu hạnh phúc bản thân, được làm điều mình thích hơn là phải sống theo ý người khác.

Hơn thế nữa, khi tuổi thọ càng cao, sau khi hoàn thành trách nhiệm với con cái, nhiều người có xu hướng tìm lại chính mình, tách khỏi cuộc hôn nhân đang đi vào lối mòn, cũ kỹ.

Làm sao tránh?

Ly hôn ở độ tuổi không còn trẻ luôn là một quyết định khó khăn của những người trong cuộc. Họ không chỉ đối mặt với những khủng hoảng tâm lý, với định kiến xã hội, mà còn đối diện sự phản đối quyết liệt từ con cái, bạn bè, người thân.

Bị chỉ trích theo kiểu “hồi xuân”, “trẻ không ăn chơi, già sinh đổ đốn” hoặc cố nhịn để sống cho đến cuối đời vì “ở tuổi đầu hai thứ tóc mà dẫn nhau ra tòa thì khác gì làm trò cười cho thiên hạ”.

Ly hôn xám đang mang lại cơ hội cho những người trong cuộc sống tốt hơn, chấm dứt tình trạng bị bạo lực, khủng bố tinh thần. Tuy nhiên nó cũng để lại những hệ lụy đối với gia đình và xã hội.

Nhiều chuyên gia hôn nhân gia đình cho rằng vẫn có thể tránh được cảnh tan đàn xẻ nghé do ly hôn hoa râm. Theo đó, mỗi người cần thay đổi suy nghĩ cưới nhau rồi là có toàn quyền áp đặt, bắt buộc người bạn đời phải phục tùng, làm theo ý mình một cách tuyệt đối. Trái lại, nên biết trân trọng những gì mình đang có, chung tay vun đắp hạnh phúc.

Đôi khi “quen quá hóa nhàm” khiến người ta dễ có những lời nói, hành động làm tổn thương nhau. Nhất là khi xu hướng “cẩn trọng với người ngoài, coi thường người trong nhà” đang trở nên phổ biến.

Bên cạnh đó, mỗi người hãy tự làm mới bản thân, nên dành 50% thời gian cho mình, 50% thời gian cho nửa kia, thay vì bắt ép nửa kia phải thuận theo mình hoặc dành 100% thời gian để chạy theo bạn đời.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *