Dù giá cà phê tăng trở lại nhưng lượng hàng trong dân không còn nhiều.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Ngọc Châu (xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) cho hay sau khi thu hoạch được 10 tấn cà phê nhân vụ mùa rồi, gia đình ông bán dần 8 tấn khi giá cà phê dao động trong khoảng 70.000 – 90.000 đồng/kg.
Lượng cà phê còn lại hơn 2 tấn được ông bán mới đây với giá 120.000 đồng/kg.
Theo ông Châu, bà con trong xã trồng nhiều cà phê cũng đã bán hết cà phê nhân của vụ trước, chỉ còn một số ít giữ hàng trong nhà với số lượng không nhiều. “Giá cà phê liên tục cao, vượt quá mong đợi của người trồng. Bà con hy vọng giá cà phê sẽ tiếp tục duy trì trên 100.000 đồng/kg vào vụ thu hoạch cuối năm”, ông Châu nói.
Trong khi người trồng cà phê hào hứng, anh Y Pốt Niê, một start-up Ê Đê Café tại Đắk Lắk, cho biết việc tăng giá khiến các nhà sản xuất cà phê thủ công như anh gặp khó. Doanh số đã sụt giảm đáng kể khi doanh nghiệp tăng giá sản phẩm bởi áp lực giá nguyên liệu.
Giá tăng cao, các cửa hàng quay sang tìm những nguồn có giá thấp hơn như các loại cà phê pha trộn.
Theo anh Niê, việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu sản xuất cũng không dễ do dự trữ trong dân không còn nhiều. Start-up này dự đoán từ nay tới trước vụ thu hoạch cuối năm, giá cà phê sẽ tiếp tục tăng cao do đứt nguồn cung và dự báo mất mùa bởi khô hạn kéo dài thời gian qua.
Một doanh nghiệp rang xay lớn tại Gia Lai cho hay tất cả các doanh nghiệp đều phải tăng giá thành phẩm ở biên độ rất lớn để đối phó với giá nguyên liệu tăng cao.
Theo doanh nghiệp này, giá cà phê liên tục cao khiến dự trữ sản xuất bị kéo giảm, chỉ có thể dự trữ nguyên liệu trong 1 – 1,5 tháng thay vì trong 3 – 4 tháng như trước vì không đủ vốn.
Từ sau Tết tới nay, các nhà rang xay cũng ghi nhận có sự sụt giảm đáng kể sản lượng tiêu thụ do nhu cầu người tiêu dùng giảm khi giá tăng. “Nếu tình trạng này kéo dài sẽ không tốt cho toàn ngành do giá cà phê bị chi phối bởi thị trường quốc tế trong khi nhà sản xuất và người tiêu dùng trong nước phải chịu ảnh hưởng”, vị này nói.
Kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng mạnh, kỳ vọng cán mốc 6 tỉ USD
Thông tin từ nhiều doanh nghiệp cho biết giá cà phê robusta VN xuất khẩu đạt 4.500 – 4.600 USD/tấn tùy chất lượng hàng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê robusta (loại xuất khẩu chính của VN) giao tháng 9-2024 tăng 0,90%, đạt 4.617 USD/tấn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 15-7, ông Nguyễn Nam Hải, chủ tịch Hiệp hội Cà phê – ca cao VN, cho rằng giá cà phê trên thị trường toàn cầu vẫn neo cao do sản lượng cà phê của Brazil (thu hoạch vào tháng 5-6) bị giảm vì thời tiết cực đoan, chưa kể cà phê cũng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn với giới đầu cơ, đẩy nhu cầu tăng.
Sản lượng cà phê VN xuất khẩu năm nay được dự báo giảm so với năm ngoái.
Trong khi đó, nhiều nhà rang xay tại châu Âu đang tăng tốc nhập cà phê nhằm tránh bị ảnh hưởng bởi Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) có hiệu lực kể từ đầu tháng 1-2025.
“Trong ngắn hạn, giá cà phê sẽ ổn định ở mức tốt, khó quay đầu giảm sâu. Tuy nhiên về lâu dài, với nhiều yếu tố tác động như cung cầu, bất ổn chính trị, đầu cơ… nên không dễ dự báo được giá bán”, ông Hải nói.
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm nay, VN xuất khẩu khoảng 902.000 tấn cà phê, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng kim ngạch đạt 3,2 tỉ USD – tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm trước do giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh.
Dự báo năm 2024 kim ngạch xuất khẩu cà phê của VN có thể đạt 5,5 tỉ USD, thậm chí lên tới 6 tỉ USD nếu thuận lợi.