Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc gia hạn cho thuê đất công khi dự án kết thúc thời gian thuê đất hoặc liên doanh hết thời hạn hoạt động cần căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, điều quan trọng nhất là bảo đảm lợi ích nhà nước và không làm thất thoát tài sản công.
Gia hạn thời gian thuê đất thế nào?
Trao đổi với Tuổi Trẻ về đề xuất gia hạn thuê đất công cho các DN như Mercedes-Benz, ông Đặng Huy Đông, viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển, cho rằng về nguyên tắc, khi hết thời hạn thuê đất, liên doanh này phải chấm dứt hoạt động và bàn giao lại cho TP.HCM quản lý, còn xử lý các khâu tiếp theo phải bảo đảm lợi ích của các bên.
“Giờ Mercedes-Benz muốn thuê đất tiếp thì phải đề xuất một đề án kinh doanh mới trên đất. Đề án kinh doanh này phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của TP, đồng thời làm rõ hiệu quả kinh doanh và lợi ích đóng góp cho TP như thế nào. Tiếp đó, TP phải tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất hoặc đấu giá đất”, ông Đông nói.
Theo ông Đông, để hài hòa lợi ích, TP.HCM có thể ưu tiên cho Mercedes-Benz hơn, trong trường hợp Mercedes-Benz trả tiền thuê đất hoặc đóng góp cho TP tương đương với các DN khác thì sẽ được chọn. Một lãnh đạo của Bộ KH&ĐT cho rằng việc cho gia hạn thời gian thuê đất hay không cho gia hạn thời gian thuê đất với một dự án đầu tư, kể cả trường hợp liên doanh, phụ thuộc vào giấy phép đầu tư.
“Nếu giấy phép cấp cho nhà đầu tư, liên doanh có điều khoản chuyển giao không bồi hoàn, khi kết thúc thời gian đầu tư hoặc thời hạn liên doanh, nhà đầu tư phải trả đất và chuyển giao tài sản cho Nhà nước theo dạng không bồi hoàn. Trường hợp tài sản trên đất do nhà đầu tư xây dựng phải bồi hoàn, việc gia hạn cho thuê đất dự án phụ thuộc vào thời điểm, lĩnh vực, địa bàn gia hạn”, vị này nói.
Cũng theo vị này, sẽ không có chuyện DN mặc nhiên được hoặc không được gia hạn. Nếu dự án phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, với kế hoạch kinh tế – xã hội, với quy hoạch, địa phương có thể gia hạn thời gian thuê đất cho nhà đầu tư vì nó không liên quan đến tiền đất, tài sản nhà nước, việc gia hạn tùy vào từng dự án cụ thể. Việc gia hạn phải được cấp có thẩm quyền đồng ý.
“Riêng với trường hợp cụ thể cấp phép đầu tư một số khách sạn lớn như Intercontinental Saigon, Sheraton Sài Gòn…, trong giấy phép liên doanh ghi rõ khi liên doanh hết hạn, đến thời điểm chuyển giao bồi hoàn, tài sản phải được chuyển giao về cho Nhà nước quản lý”, vị này nói.
Luật cho phép gia hạn thời gian thuê đất
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thiên Long, phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Bất động sản công nghiệp VN (VIREA), cũng khẳng định theo Luật Đất đai 2024, việc gia hạn thuê đất cho DN khi sắp hết hạn vẫn có thể được xem xét nếu đáp ứng một số điều kiện. Thứ nhất, DN vẫn có nhu cầu sử dụng đất để tiếp tục hoạt động kinh doanh, sản xuất.
Thứ hai, khu đất đó phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, bao gồm cả quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Thứ ba, do chưa có kế hoạch sử dụng khác, tức là nếu khu đất đó chưa được quy hoạch để sử dụng cho mục đích khác, địa phương có thể cân nhắc việc gia hạn thuê đất.
Cuối cùng, DN phải tuân thủ pháp luật về các quy định về sử dụng đất, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Quy trình gia hạn thuê đất bao gồm các bước: DN cần nộp đơn xin gia hạn thuê đất lên cơ quan có thẩm quyền (thường là Sở TN&MT), sau đó cơ quan chức năng sẽ thẩm định hồ sơ, đánh giá việc sử dụng đất của DN, đảm bảo phù hợp với quy hoạch và không có tranh chấp.
“Nếu đáp ứng đủ điều kiện, cơ quan chức năng sẽ trình UBND cấp tỉnh quyết định gia hạn thuê đất. Quyết định này sẽ quy định rõ thời gian gia hạn, các điều kiện đi kèm và các nghĩa vụ tài chính DN phải thực hiện”, ông Long nói.
Lãnh đạo một DN tại TP.HCM cho biết khi hết thời gian thuê đất, DN cũng đã khấu hao tài sản theo phương án đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, do luật quy định DN có quyền đề xuất gia hạn thời gian thuê đất nên các DN sẽ tận dụng thêm quảng thời gian gia hạn để tiếp tục sản xuất, nếu ngắn thì 3 – 5 năm hoặc dài có thể lên đến 7 – 10 năm.
Theo vị này, việc di dời một nhà máy tốn nhiều thời gian, chi phí, thậm chí phải tuyển mới lao động nếu di dời vào các khu công nghiệp xa khu dân cư. Do đó, nếu bắt buộc phải di dời, các DN sẽ chấp hành để trả lại đất cho Nhà nước.
“Tuy nhiên nếu địa phương chưa có kế hoạch sử dụng khu đất đó, việc tồn tại nhà máy không ảnh hưởng đến khu vực xung quanh, có thể cho phép DN được hoạt động thêm vài năm. Nếu đồng thuận để DN tạm thời hoạt động tiếp, cần có quyết định gia hạn cho thuê đất”, vị này nói.
Căn cứ điều kiện cụ thể từng dự án
Ông Nguyễn Văn Toàn, phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài, cho biết khi hết thời hạn kinh doanh, những dự án liên quan đến công nghệ, sản xuất, máy móc thiết bị, đến dây chuyền sản xuất sẽ phải thực hiện gia hạn dự án, gia hạn dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị vì có những máy móc thiết bị đã qua sử dụng nhiều năm.
Theo quy định, cứ 10 năm trở lên phải kiểm tra, gia hạn trong khi thực tế có những máy móc, thiết bị cơ khí trên 20 năm vẫn sử dụng tốt. Trường hợp giấy phép đầu tư quy định hết thời hạn phải chuyển giao, nhà đầu tư phải thực hiện. Nếu nhà đầu tư muốn khởi động lại dự án mới, phải làm lại thủ tục theo quy định, căn cứ vào điều kiện cụ thể để xử lý.
Cũng theo ông Toàn, với các nhà đầu tư khu công nghiệp có thời hạn thuê đất 50 năm, thông thường nhà đầu tư sẽ được gia hạn thêm 20 năm theo giấy phép đầu tư. Sau đó tùy từng trường hợp, Nhà nước có thể thu hồi dự án hoặc tiếp tục gia hạn thêm thời gian hoạt động dự án cho nhà đầu tư.