Giá như hồi đó tôi không rút bảo hiểm xã hội ‘một cục’

Chuyên viên văn phòng BHXH TP.HCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân – Ảnh: HỮU HẠNH

Bạn đọc Nguyễn Đước chia sẻ câu chuyện của một đồng nghiệp cũ, nhận trăm triệu đồng khi rút bảo hiểm xã hội (BHXH) “một cục” đem gửi ngân hàng rồi rút dần, đến khi tuổi già không có lương hưu lại nói hai lời “giá như”.

Lời “giá như” muộn màng 

Cách đây hơn 20 năm một người đồng nghiệp của tôi nằm trong danh sách diện “dôi dư” do doanh nghiệp cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức nhân sự. Chị được nhận chế độ “một cục” của doanh nghiệp và sau đó quyết định làm thủ tục nhận “một cục” BHXH mà không đợi đến tuổi nghỉ hưu. 

Số tiền 100 triệu đồng lúc đó khá lớn, chị mở sổ tiết kiệm để gửi ngân hàng rồi lấy lãi chi tiêu. 

Thời gian sau, do có việc cần nên chị rút dần tiền gửi ngân hàng. Vài năm sau số tiền nhận “một cục” vơi dần và cuối cùng hết sạch.

Vào dịp cuối năm, tôi thường ghé thăm chị và trao chút quà theo chế độ của doanh nghiệp đối với cựu cán bộ, nhân viên. 

Hầu như năm nào cũng vậy, mỗi lần gặp tôi chị đều tiếc nuối và than thở những người lớn tuổi không có thu nhập từ tiền lương hưu hằng tháng như chị cuộc sống rất chật vật.

Thu nhập hằng tháng duy nhất của chị lúc này là cho thuê phòng khách nhà mình ở ngay trong một khu chợ quận 10 để người ta làm tiệm hớt tóc gội đầu, mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng. 

“Giá như hồi đó mình bảo lưu thời gian đóng BHXH, không nhận “một cục” thì nay cũng có lương hưu hằng tháng, không phải lo lắng. Giá như hồi đó có người tư vấn, có người hướng dẫn cụ thể thì chắc mình không rút BHXH một lần…”, chị tâm sự.

Để không phải nói lời “giá như”

Thực tế vào thời điểm đó, công tác tuyên truyền, phổ biến về chế độ chính sách cũng như  tính “ưu việt” về tiền lương hưu hằng tháng so với rút “một cục” cũng chưa thật sự sâu rộng và đến nơi đến chốn như hiện nay.

Nhiều người rút BHXH một lần sau khi nghỉ việc theo chế độ, chính sách “dôi dư” hoặc theo chính sách tinh giản biên chế ở nhiều doanh nghiệp như chị bạn đồng nghiệp nơi tôi làm việc.

Việc rút BHXH một lần hay làm thủ tục nhận “một cục” BHXH, chấp nhận rời bỏ hệ thống an sinh xã hội sau khi nghỉ việc là quyền tự do, tự chọn lựa của mỗi người lao động.

Thế nhưng trong khi làm về chế độ về chính sách BHXH tôi cũng đã nhiều lần nhận được những lời “than thở”, những lời “giá như” và là sự hối tiếc của không ít người lao động, nhất là những người già nhưng không có bất kỳ khoản thu nhập hằng tháng nào.

Việc bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc tiếp tục tham gia, chờ tới thời gian đủ tuổi nghỉ hưu, đủ thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí, có được thu nhập từ tiền lương hưu hằng tháng vẫn tốt hơn rất nhiều so với việc làm thủ tục nhận “một cục”, rút BHXH một lần sau thời gian nghỉ việc như hiện nay.

Ngoài ra, để khuyến khích, giữ chân người lao động trụ lại với chính sách BHXH, đặc biệt để bản thân người lao động sau khi về già ai cũng có lương hưu hằng tháng, thiết nghĩ chính sách BHXH cần tiếp tục đổi mới nhiều hơn để có những quy định sát sườn hơn với cuộc sống.

Đặc biệt, tiến tới thu nhập từ tiền lương hưu hằng tháng phải đủ sống, đủ chi tiêu, đảm bảo an dưỡng tuổi già của những người nghỉ hưu. 

Dưới bài viết Rút bảo hiểm xã hội ‘một cục’: Không dễ sửa sai, bạn đọc Trịnh Châm chia sẻ: “Đối với những người lao động nặng nhọc đến 50 tuổi đã không còn sức để lao động nữa, trong khi theo quy định đến hơn 60 tuổi mới được hưởng lương hưu. Khoảng thời gian từ 50 hay 55 đến 60 tuổi người lao động làm gì để sống?”.

“Nhiều lao động bị mất việc sớm từ những năm 50 tuổi. Từ đó đến lúc được lãnh lương hưu họ lấy gì sống? Nên chăng có chính sách trợ cấp xã hội cho những người này để họ yên tâm đóng và chờ hưởng BHXH”, tài khoản Acbs bày tỏ thêm.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *