Ngày 12-7, tại kỳ họp thứ 16 Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng, đại tá Trương Minh Đương -giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng – đã trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến tình trạng tội phạm tín dụng đen trên địa bàn tỉnh.
Tại kỳ họp, các đại biểu chất vấn có hay không việc cho vay nặng lãi trong vụ vay 270 triệu phải trả hơn 4 tỉ đồng?
Theo ông Đương, qua hồ sơ, có thể thấy việc vay 270 triệu đồng phải trả 4,1 tỉ đồng bản chất là mua bán đất đai.
Số tiền từ 270 triệu đồng ban đầu và 4,1 tỉ đồng phải trả là chênh lệch giá của thửa đất sau 10 năm.
“Khi nghe thông tin về vụ việc, chúng tôi đã cử lực lượng xác minh, truy lại toàn bộ hồ sơ cũng như tiếp cận các đương sự. Cơ quan công an không tìm thấy các chứng từ, giấy tờ về việc vay mượn của bà K’Them”, ông Đương nói.
Cũng theo ông Đương, ban đầu có sự không rõ ràng trong cách thông tin vụ việc của bà K’Them, ghép nối 2 vụ việc khác nhau lại chung với nhau gây hiểu lầm.
Ngày 10-6, Tòa án nhân dân huyện Lạc Dương đã tuyên các giao dịch của bà K’Them và bà Hồng vô hiệu, và yêu cầu bà K’Them phải trả cho bà Hồng số tiền 4,1 tỉ đồng. Các bên đều không đồng ý với bản án nên đã kháng cáo. Sắp tới, Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng sẽ xét xử phiên phúc thẩm.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, vụ vay 270 triệu phải trả hơn 4 tỉ đồng liên quan đến bà Kơ Să K’Them (57 tuổi, trú xã Lát, huyện Lạc Dương) và bà Nguyễn Thị Lệ Hồng (57 tuổi, trú phường 2, TP Đà Lạt).
Từ năm 2013 tới 2016, bà Kơ Să K’Them và chồng là ông Liêng Hót Ha Chông (66 tuổi) vay mượn của bà Nguyễn Thị Lệ Hồng 2 lần với số tiền lần lượt là 100 triệu đồng và 170 triệu đồng.
Đến tháng 2-2016, do bà K’Them không có khả năng trả tiền gốc và tiền lãi nên hai bên thống nhất chốt tổng số tiền bà K’Them nợ bà Hồng là 375 triệu đồng; đồng thời bà K’Them đồng ý lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (viết tay) hai thửa đất cho bà Hồng với giá 500 triệu đồng.
Bà K’Them đã nhận tiền, tuy nhiên chưa giao đất. Ngoài ra, bà K’Them còn vay nợ ngân hàng dựa trên quyền sử dụng đất đã bán (bằng giấy tay) cho bà Hồng.
Liên quan đến vụ việc, bà K’Them tố cáo bà Hồng ép gia đình bà phải ký các giấy tờ liên quan đến việc mua bán đất.
Liên quan đến loại hình tội phạm “tín dụng đen” mà Công an tỉnh Lâm Đồng đang đấu tranh, đại tá Trương Minh Đương nhận định trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không có đơn vị nào chủ trì thực hiện hoạt động tín dụng này, mà chủ yếu là những người từ các tỉnh khác, có tiền án tiền sự, cấu kết với người dân địa phương.
Mức lãi suất cho vay tín dụng đen cơ quan công an ghi nhận được là 300% đến 850%/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan công an đã khởi tố 15 vụ với 21 bị can thực hiện hoạt động tín dụng đen.