Khi sinh viên ở Mỹ trở lại trường vào kỳ học mùa thu này, nhiều giáo sư nhân văn tự hỏi liệu nhu cầu học tập của sinh viên ngày nay có khác với sinh viên của 20, 10 hay thậm chí 5 năm trước không…
Điện thoại là “thủ phạm”?
Alden Jones, giảng viên môn văn học và viết sáng tạo tại Emerson College, một trường đại học giáo dục khai phóng, cho biết: “Tôi đang ở đây, dạy cùng một lớp mà tôi đã dạy trong 10 năm, sử dụng cùng một cuốn sách và hỏi những câu hỏi giống nhau, còn sinh viên thì im lặng. Sau đó tôi hỏi những câu hỏi dễ hơn và vẫn im lặng”.
Cô Jones chia sẻ với Teen Vogue rằng một phần có thể là “cú sốc” từ COVID-19; một phần, như một học sinh đã nói với cô, do nỗi sợ bị bạn bè đánh giá hoặc trả lời sai. Hoặc cũng có thể tâm lý “tại sao tôi phải tốn công suy nghĩ khi tôi có thể tìm thấy câu trả lời trên điện thoại?”.
Nhưng một câu hỏi lớn khác xuất hiện trong câu chuyện này: Sinh viên đại học có gặp khó khăn trong việc đọc so với trước đây không? Và nếu vậy, các chuyên gia giáo dục nên làm gì để giúp họ?
Không chỉ cô Jones, Adam Kotsko, giảng viên Trường Shimer Great Book School tại North Central College cho biết ông từng giao khoảng 25-35 trang đọc mỗi buổi cho các lớp cấp độ đầu vào, nhưng “bây giờ nếu tôi viết một bài đọc dài 20 trang, tôi bắt đầu cảm thấy căng thẳng”.
“Tất cả giảng viên đều nhận thấy khả năng tập trung của sinh viên đã giảm đi. Và lý do là chiếc điện thoại trong túi các em”, Jeff Dolven, giáo sư tiếng Anh tại Đại học Princeton, nói.
Thầy cô “tung chiêu” với sinh viên lười đọc
Cô Jones cho biết những năm gần đây, cô điều chỉnh cách giảng dạy và giáo trình của mình để phù hợp với những gì cô cho là khả năng đọc của sinh viên đang suy giảm. Một trong các cách của cô là “đối thoại liên tục” với sinh viên. Ngoài ra, cô chỉnh sửa lại độ dài các văn bản mà cô giao cho sinh viên đọc. Cô viết ít sách hơn và có nhiều truyện ngắn hơn cho sinh viên.
Trong khi đó, ông Kotsko chọn lọc và có chủ ý hơn về những gì ông đưa vào danh sách đọc cho sinh viên.
Antonio Byrd, người dạy môn viết tại Đại học Missouri-Kansas, chia sẻ kể từ năm 2020, ông đã xếp sinh viên vào các nhóm đọc sách, trong đó mỗi sinh viên chọn một vài bài đọc được giao trong tuần và cung cấp bản tóm tắt cho các bạn cùng nhóm.
Ông cũng sử dụng các công cụ chú thích kỹ thuật số cho phép sinh viên nhận xét trực tuyến về bài đọc và tương tác với nhận xét từ các bạn cùng lớp. Kotsko yêu cầu sinh viên chụp ảnh các chú thích văn bản của họ và nộp chúng dưới dạng bài tập, một phương pháp mà ông cho rằng khá hiệu quả.
Casey Boyle, phó giáo sư môn hùng biện và viết văn tại Đại học Texas ở Austin, thì khuyến khích các lớp học của mình áp dụng “quy trình tổng quan” để đọc, hiểu cách tổ chức văn bản và đọc lướt phần giới thiệu cũng như kết luận của văn bản trước khi đi sâu vào cốt lõi của nó.
John Edwin Mason, giáo sư lịch sử tại Đại học Virginia, cho biết ông thiết kế các câu hỏi để kiểm tra xem sinh viên có đọc hết toàn bộ văn bản hay không và đang cân nhắc trở lại với các câu đố “mặc dù tôi rất bực bội với chúng khi còn là học sinh”.
Với những sinh viên gặp khó khăn với bài đọc, Mason thường hỏi: “Em có tắt điện thoại không?”. Thường thì sinh viên tỏ ra sốc và Mason đồng cảm vì suy cho cùng, “thế hệ trước không có điện thoại để tắt”.