“Tôi đã yêu cầu thả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và gặp con trai bà ấy tại Rome. Tôi cũng đã đề xuất với Vatican để cung cấp nơi ở cho bà ấy trên lãnh thổ của chúng tôi”, Giáo hoàng Francis chia sẻ trong chuyến công du châu Á vào đầu tháng này.
Nội dung chia sẻ của Giáo hoàng được báo Corriere della Sera của Ý trích dẫn từ bài viết của linh mục Antonio Spadaro, trong đó có nội dung từ các cuộc gặp riêng tư của Giáo hoàng tại Indonesia, Timor Leste và Singapore, diễn ra từ ngày 2 đến 13-9.
“Chúng ta không thể im lặng trước tình hình tại Myanmar hôm nay. Chúng ta phải hành động”, Giáo hoàng nhấn mạnh. “Tương lai của đất nước các bạn nên là một tương lai hòa bình, dựa trên sự tôn trọng phẩm giá và quyền lợi của mọi người, cùng với một hệ thống dân chủ cho phép tất cả mọi người đóng góp vào lợi ích chung”.
Bà Aung San Suu Kyi, 78 tuổi, đang phải chịu án tù 27 năm với các cáo buộc từ tham nhũng cho đến vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19.
Năm 2015, đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của Myanmar sau 25 năm.
Tuy nhiên, vào năm 2021, bên quân đội Myanmar bắt giữ bà Suu Kyi khi đảo chính. Theo truyền thông địa phương, sức khỏe của bà đang gặp nhiều vấn đề trong khi bị giam giữ.
Là người được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991, bà Suu Kyi từng được ca ngợi là biểu tượng của nhân quyền. Tuy nhiên, bà đã đánh mất sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế vào năm 2017, khi bị cáo buộc không làm gì để ngăn chặn quân đội Myanmar đàn áp người Rohingya, một cộng đồng Hồi giáo chiếm thiểu số ở nước này.
Cuộc đàn áp này đang là đối tượng của một cuộc điều tra về tội diệt chủng của Liên Hiệp Quốc và vẫn tiếp diễn, theo lời kể của người tị nạn Rohingya tại Bangladesh.
Myanmar, một quốc gia chủ yếu theo đạo Phật, đã rơi vào tình trạng bất ổn kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021. Chính quyền quân sự đang phải đối mặt với các nhóm phiến quân dân tộc và lực lượng ủng hộ dân chủ mới.