Ngày 13-9, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đã ký lệnh rút báo động lũ trên sông Hồng, sông Đuống.
Theo đó, căn cứ vào mực nước sông Hồng tại Hà Nội (Long Biên) hồi 1h sáng cùng ngày là 10,39m (mực nước báo động 2 à 10,50m).
Trước thực tế trên, Hà Nội rút báo động 2 trên sông Hồng tại địa phận các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.
Hà Nội cũng rút báo động 2 trên sông Đuống khi mực nước trên sông này thời điểm 0h ngày 13-9 là 9,94m (mực nước báo động 2 là 10,00m).
Hà Nội yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận huyện Long Biên, Đông Anh, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, các đơn vị ở địa phận trên và các ngành, các cán bộ đã được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh những quy định khi có lệnh rút báo động 2.
Quận Hoàn Kiếm sẵn sàng các phương án khi lũ trên sông Hồng rút
Trước đó, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online trong chiều 12-9, sau khi lên mức trên báo động 2, vượt mức lũ lịch sử, mực nước trên sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội đã chững lại và rút chậm. Dù nước rút nhưng nhiều nơi tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vẫn bị ngập sâu do nước sông Hồng dâng cao.
Chiều cùng ngày, phố Chương Dương Độ (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) vẫn ngập sâu hơn 1 mét, đặc biệt nhiều khu vực ven sông nước ngập lút mái nhà.
Hiện chính quyền quận đã sơ tán người dân ra khỏi vùng ngập lụt để đảm bảo an toàn.
Trên tuyến phố Bạch Đằng (quận Hoàn Kiếm), sáng cùng ngày, nhiều đoạn bị ngập sâu đã được chính quyền sơ tán dân. Một số nơi nước ngập khoảng 30cm, người dân bì bõm lội nước giữa tuyến phố trung tâm thủ đô.
Tới chiều 12-9, Hà Nội hửng nắng, một số nhà dân ở phố Bạch Đằng trước đó nước ngập mấp mé nền nay lũ đã rút, dân bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, di chuyển đồ đạc xuống.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Tuấn Long – chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm – cho biết hiện quận có hai phường bị ngập bởi nước lũ gồm Chương Dương và Phúc Tân. Trong đó, phường Chương Dương ngập 1/4 số hộ dân; phường Phúc Tân bị ngập 1/3 số hộ.
“Ngay sau khi nước sông Hồng lên báo động 1, chúng tôi đã di dời người dân ở những nơi có nguy cơ ngập và quận triển khai cao hơn một mức so với thông báo chung của TP.
Vì vậy, những hộ dân ở trong các khu vực nhà thấp tầng đã được di chuyển toàn bộ. Đối với nhà cao tầng thì các hộ dân cũng đã chủ động di chuyển đồ đạc, đặc biệt những nơi bị ngập nước sẽ không có người già và trẻ nhỏ ở lại” – ông Long nói.
Trước việc mực nước sông Hồng đang xuống dần, ông Long cho biết quận đã có phương án tổng vệ sinh và đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Cụ thể, khi nước rút, quận sẽ dọn dẹp các phế thải trôi nổi từ sông Hồng vào khu dân cư, phun khử khuẩn để đảm bảo an toàn trong việc phòng chống dịch bệnh sau lũ.
“Quận cũng sẽ lên phương án hỗ trợ người dân bị ngập lụt và hỗ trợ dân dọn dẹp để ổn định cuộc sống, trở về nơi ăn ở” – vị lãnh đạo quận Hoàn Kiếm nói thêm.