Hai anh em mồ côi cha mẹ học chung trường đại học

Ngọc Hà cũng quen với bữa cơm hiu quạnh của cô cùng bà nội – Ảnh: AN VI

Bập bẹ nói, Hà đã mất mẹ. Rồi vài năm sau ba cũng theo mẹ mà đi. Hai đứa cháu côi cút được bà nội và nhà chú ruột bảo bọc.

Chỉ biết mặt mẹ qua hình

Hình ảnh mẹ mờ nhạt vì lúc ấy Hà mới tròn tuổi. Còn ký ức về cha cũng chỉ là những lần ba nhập viện ốm nặng. Cô bé Hà lớn lên do một tay nội cùng gia đình chú ruột chăm bẵm. Trong ngôi nhà tại xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, chú là lao động chính lo cho mẹ già cùng người vợ hay đau ốm và năm đứa nhỏ vừa con vừa cháu.

Chú thường đi sớm về khuya. Thương chú thím vất vả, đi học về là Hà phụ bà việc nhà, lo cơm nước và trông em chứ hầu như không mấy khi thấy Hà đi chơi với bạn. “Cháu ngoan, chịu khó học hành nên có lúc làm gì sai tôi cũng không nặng lời. Mất cha mẹ đã thiệt thòi lắm rồi, sợ cháu dễ mặc cảm nên mỗi lần sinh hoạt ngoại khóa dù được miễn nhưng tôi vẫn ráng đóng thêm năm ba đồng cho cháu đỡ tủi” – bà Nguyễn Thị Thu (78 tuổi, bà nội Hà) chia sẻ.

Lúc rảnh, Hà ra chợ gấp quần áo thuê để bớt chút gánh nặng cho bà và chú. Thường cô bé sẽ tranh thủ tối học bài trên cái sập gỗ góc nhà để không ảnh hưởng tới giấc ngủ của cả nhà. Bà nội nói Hà mạnh mẽ lắm. Mỗi lần cho coi hình ba mẹ chỉ cười vì cũng không nhiều kỷ niệm gia đình.

Nhưng sâu thẳm trong lòng, Hà nói mình nhớ hoài những ngày cuối đời của ba, thèm sự vỗ về của mẹ rồi bất giác nước mắt cứ thế lăn trên gò má.

“Chú rất thương tụi em nhưng có lần cả nhà chú đi du lịch với nhau, mình vẫn có chút cảm giác thiệt thòi chứ. Lại ước giá mà còn ba mẹ rồi cả nhà cùng đi với nhau. Ngày thi thấy bạn được bố mẹ đưa đi, đợi ngoài cổng trường còn mình lủi thủi tự đi tự về” – Hà nghẹn giọng.

Tân sinh viên Nguyễn Lê Ngọc Hà chọn học trường ĐH Tây Nguyên để hai anh em chăm sóc nhau

Muốn làm bác sĩ thú y

May mà có anh trai học cùng trường nên Hà cũng bớt bỡ ngỡ khi nhập học. Cũng tìm hiểu thông tin một vài trường tại TP.HCM song Hà quyết định chọn ngành thú y Trường ĐH Tây Nguyên để hai anh em ở gần nhau.

Ước mơ trở thành bác sĩ thú y đến với Hà khá tình cờ. Đó là hồi cô bé thấy đàn gà của bà nội bị dịch rồi từng con lăn ra chết hết khiến bà buồn lắm. Hà muốn làm bác sĩ thú y, trước là giúp bà sau để mong có thể góp chút sức với bà con quê mình. Hà kể chỗ mình ở thuộc vùng sâu vùng xa, dịch vụ thú y chưa phát triển lắm, nhiều khi bò dê bệnh, bà con phải đi 20km mua thuốc về tự chích cho chúng.

Mới nhập học còn rảnh rang, em gái tranh thủ theo anh trai làm phục vụ nhà hàng tiệc cưới. Mỗi ngày từ 7h – 15h cũng được 160.000 đồng. Nhưng phải đứng hàng giờ liền, chưa quen nên nhiều hôm về tới nhà trọ hai chân nhức mỏi đến không ngủ được. Nhưng lần nào gọi về nhà cũng đều nói con khỏe để bà và chú không lo lắng.

Thầy Hoàng Hải Minh – giáo viên chủ nhiệm của Hà ba năm tại Trường THPT Thống Nhất – nói cô học trò nhỏ ngoan, rất nỗ lực học và có sức học đều các môn. “Nhà trường đã miễn giảm học phí vì biết hoàn cảnh mồ côi của em. Mấy thầy cô ôn luyện thi cho bạn cũng không ai lấy tiền mà còn hỗ trợ tài liệu cho Hà” – thầy Minh cho biết.

Còn Hà dự tính nếu được nhận học bổng Tiếp sức đến trường sẽ đóng học phí và dành một phần gửi cho bà chữa bệnh.

Mình vẫn đang cố gắng vươn lên mỗi ngày, càng muốn được học để còn có điều kiện giúp lại cho những bạn có hoàn cảnh như mình.

NGUYỄN LÊ NGỌC HÀ

Như bao bạn gái khác, Hà cũng thích quần áo mới cùng những món đồ con gái nhưng chưa bao giờ nói với ai. Giấu nỗi buồn cho riêng mình, lúc nào Hà cũng cười, cố tỏ ra mạnh mẽ để người thân an tâm.

Nhận tin đậu đại học, Hà kể với bà đầu tiên. Hai bà cháu ôm nhau chẳng biết nên vui hay buồn. Với nội, con bé Hà lúc nào cũng chỉ là đứa trẻ: “Cháu nó còn dại lắm, tôi lại lớn tuổi cũng không giúp được gì cho cháu. Giờ cả hai đứa vào đại học lại càng khó”.

Hà đi nhập học không có gì đáng giá ngoài chiếc điện thoại cảm ứng của chú đang xài nhường lại “để cháu có cái mà học với gọi về nhà”. Hôm cháu gái đi, bà nội khóc, lần trong túi được ngót 2 triệu đồng ki cóp giúi vào tay cháu chứ muốn mua cái máy tính cho cháu học, bà chưa biết kiếm đâu ra.

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang – Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức – Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.

Bà nội nuôi heo quanh năm chăm đứa cháu bị bỏ rơi vào cao đẳng - Ảnh 4.

Đồ họa: TUẤN ANH

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *