Chiều 6-8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương cùng họp bàn về dự thảo đề xuất lập Hội đồng lúa gạo quốc gia. Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng chủ trì hội nghị.
Theo dự thảo đề xuất lập Hội đồng lúa gạo quốc gia, Phó thủ tướng làm chủ tịch Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Công thương làm phó chủ tịch thường trực, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm phó chủ tịch.
Ủy viên là đại diện lãnh đạo các Bộ, lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam, UBND một số tỉnh Thái Bình, Nam Định, TP.HCM, 13 địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long và một số doanh nghiệp.
Hội đồng lúa gạo quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành tham mưu giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo.
Dự thảo cũng đưa ra một số nhiệm vụ của Hội đồng lúa gạo quốc gia, như nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách minh bạch, hiệu quả, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường cho ngành lúa gạo.
Nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất với Thủ tướng phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng của ngành. Giúp Chính phủ, Thủ tướng điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án có tính liên ngành về lúa gạo.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để thu thập thông tin, phân tích đánh giá về tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành hàng lúa gạo.
Tại hội nghị, các ý kiến của các Hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương đều đồng tình với việc thành lập hội đồng lúa gạo quốc gia để ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững, thu nhập người nông dân cao hơn.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan rất cần một hội đồng lúa gạo quốc gia để tham mưu những chính sách, xử lý những vấn đề phát sinh của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
“Giả sử Ấn Độ mở cửa trở lại việc xuất khẩu gạo thì phản ứng chính sách của Việt Nam sẽ như thế nào? Chúng ta phải có động thái ngay. Với tư duy ngày nay thì không có một đơn ngành nào đủ sức giải quyết một vụ việc, mà phải là liên ngành.
Hội đồng lúa gạo quốc gia như là đơn vị hoạch định, tham mưu những chính sách lớn, tham mưu giải quyết những vấn đề phát sinh, vấn đề ngoại giao, hình ảnh của ngành hàng lúa gạo cho Chính phủ, Thủ tướng để phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững” – ông Hoan nói.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh ngành hàng lúa gạo của Việt Nam hiện nay không chỉ đóng vai trò quan trọng với an ninh lương thực quốc gia mà còn trở thành cường quốc về xuất khẩu gạo trên thế giới và cũng là ngành góp phần làm nên thương hiệu quốc gia.
Tuy nhiên ngành lúa gạo Việt Nam còn nhiều hạn chế như sản xuất manh mún, công nghệ chưa phải tiên tiến, thu nhập người nông dân trồng lúa còn thấp. Xuất khẩu gạo còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, chưa đa dạng hóa thị trường….
Nguyên nhân là ngành sản xuất lúa gạo vẫn thiếu một chiến lược, chính sách phát triển ổn định, vững chắc. Đầu tư của nhà nước cho sản xuất, xuất khẩu lúa gạo chưa xứng tầm.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thiếu tính chuyên nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh, không nỗ lực nắm giữ và phát triển thị trường.
Việc phối hợp giữa các cấp, các ngành, giữa các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp là chưa tốt….
“Từ những phân tích trên và hướng tới một ngành hàng lúa gạo đa giá trị, đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường, đa dạng nguồn cung, nâng cao giá trị cho người trồng lúa,… rất cần một Hội đồng lúa gạo quốc gia để có những quy chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, ngành hàng trong việc điều phối các hoạt động chung cho sản xuất kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo quốc gia” – ông Diên nói và cho biết hai Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện, sớm trình Chính phủ xem xét.