Hàng hóa dồi dào ra Bắc

Hệ thống Saigon Co.op tăng cường vận chuyển hàng hóa ra Bắc – Ảnh: SGC

Ghi nhận cho thấy trừ một số khu vực mà giao thông vẫn bị chia cắt sau lũ, nhu cầu hàng hóa thiết yếu tại thị trường phía Bắc đều đã được cung ứng đầy đủ với giá cả ổn định. 

Trước đó, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành và địa phương ưu tiên tạo điều kiện hỗ trợ trong vận chuyển, phân phối hàng hóa thiết yếu tới vùng bị chia cắt, cô lập sau mưa lũ và điều hòa nguồn cung hàng hóa từ khu vực ít bị ảnh hưởng đến khu vực bị ảnh hưởng nặng…

Không còn thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý

Ghi nhận tại Hà Nội cho thấy hàng hóa cơ bản được đảm bảo do nguồn hàng dồi dào và sự chuẩn bị sẵn sàng của các doanh nghiệp bán lẻ, phân phối từ trước, trong và sau bão lũ. 

Đại diện Co.opmart cho hay tiếp tục phối hợp với các đối tác kinh doanh, cùng chia sẻ chi phí để mang đến mức giá giảm tối đa cho các mặt hàng “hot” nhất mùa lũ như rau củ quả, trái cây, nước tinh khiết, thực phẩm khô…

Tuy nhiên tại nhiều chợ truyền thống, các mặt hàng tăng giá chủ yếu là rau xanh. Chị Mai (Đa Phúc, quận Ba Đình) cho hay khá choáng khi thấy mức giá một số mặt hàng tăng mạnh, đặc biệt là rau xanh tăng tới gấp 2 – 3 lần so với trước bão lũ. Do đó chị lựa chọn mua các mặt hàng này trong các siêu thị vì có giá ổn định lại vừa yên tâm chất lượng.

Trong khi đó, ông Đức (Vạn Phúc), chuyên kinh doanh gạo ở chợ, cho hay dù đã lấy thêm 5 tạ gạo từ trước khi bão lũ nhưng chỉ trong hơn hai ngày đã hết sạch gạo do người dân tăng mua dự trữ trong khi các đầu mối chưa thể cung ứng vì đường tắc. 

“Phải đến sang đầu tuần này, tôi mới nhận được hàng nhưng phải chấp nhận mức giá bán buôn tăng thêm từ 5.000 – 7.000 đồng/bao gạo 10kg”, ông Đức thông tin.

Tại các địa phương miền núi phía Bắc đang chịu thiệt hại do bão lũ gây ra, việc cung ứng hàng hóa cũng đang được nhiều doanh nghiệp và các cơ quan chức năng chú trọng. Chị Linh Chi (TP Yên Bái) cho biết thịt heo và một số mặt hàng rau xanh tăng giá nhẹ do nhiều lò mổ và trang trại ngưng hoạt động, các khu vực trồng rau bị ảnh hưởng do mưa lũ khiến nguồn cung bị gián đoạn.

Bộ Công Thương thông tin đã chỉ đạo cho các sở công thương và các doanh nghiệp phân phối đẩy mạnh nhập rau củ quả từ miền Trung, miền Nam để đưa ra các hệ thống phân phối tại miền Bắc. 

Nhiều đơn vị đã tăng tần suất xe đưa hàng 3 – 5 lần so với bình thường để đưa về các kho hàng phía Bắc nên hàng hóa cơ bản được đáp ứng, đặc biệt là hàng nguồn từ các điểm bán lẻ hiện đại.

Tại một số chợ truyền thống, giá một số loại rau củ quả và thịt heo, mì gói có tăng nhưng không đột biến, nguồn cung được bổ sung thường xuyên nên không có tình trạng thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý. 

Với các khu vực ngập lụt, bị chia cắt, Bộ Công Thương phối hợp với địa phương, doanh nghiệp và lực lượng chức năng cung ứng các mặt hàng như nhu yếu phẩm như mì gói, lương khô, bánh mì, bánh trưng, nước uống đóng chai…

Doanh nghiệp tăng sản xuất, giữ giá ổn định

Ông Nguyễn Anh Tuấn, phó tổng giám đốc Công ty CP lương thực thực phẩm Colusa-Miliket, cho biết vài ngày qua đơn vị đã cho tăng công suất sản xuất đối với các mặt hàng chính như mì, phở, hủ tíu… nên cơ bản đáp ứng được nhu cầu thị trường phía Bắc. 

“Do việc sản xuất ở thị trường phía Bắc có thời điểm không thuận lợi, trong khi nhu cầu thị trường tăng khoảng 20 – 30% so với bình thường nên chúng tôi đã tăng cường từ miền Nam ra để hỗ trợ”, ông Tuấn nói.

Bà Lê Thị Giàu, chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Bình Tây (TP.HCM), nói đang lên kế hoạch “tăng ca” để đáp ứng lượng phở, mì, bún khô các loại… cho thị trường với giá bình ổn. “Hệ thống máy móc đủ công suất đáp ứng, lượng nguyên liệu dự trữ hiện có thể sản xuất được trong 3 – 4 tháng, nhân công có thể huy động thêm để tăng ca. Nói chung thị trường cần tới đâu chúng tôi sản xuất tới đó”, bà Giàu khẳng định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Tiến Dũng, phó chủ tịch thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, nói gần 1.000 hội viên chính thức và liên kết, trong đó có nhiều đơn vị sản xuất bún, mì, gạo, dầu ăn, sữa… quy mô lớn, đều khẳng định không thiếu hàng, cam kết bán giá bình ổn, thậm chí sẵn sàng “tăng ca” để sản xuất thêm 20 – 40% lượng hàng nếu thị trường cần.

“Lượng hàng tồn kho đang có, đúng vào thời điểm cuối năm chuẩn bị cho hàng Tết nên nhiều doanh nghiệp đang dự trữ lượng lớn nguyên phụ liệu có thể dùng trong 3 – 4 tháng. Do đó dễ dàng tăng lượng hàng sản xuất khi cần” – ông Dũng nói và cho biết hội đang khuyến khích các doanh nghiệp chủ động vận chuyển sớm hàng hóa hoặc ưu tiên lấy hàng tại miền Bắc để cung cấp hoặc hỗ trợ bà con cho kịp thời.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, khâu vận chuyển hàng ra Bắc và từ Hà Nội đi một số tỉnh vẫn đang gặp khó vì giao thông chia cắt. Do đó một số doanh nghiệp chọn vận chuyển hàng bằng đường thủy với thời gian kéo dài hơn. 

“Hoạt động sản xuất và phân phối, giá cả nhìn chung ổn định nhưng việc vận chuyển đường biển từ Nam ra Bắc mất khoảng bảy ngày, nên với trường hợp khách cần hàng gấp có thể không kịp cung ứng”, ông Tuấn nói.

Theo đại diện LOTTE Mart, do một số tuyến đường tại khu vực phía Bắc vẫn còn bị gián đoạn vì ngập lụt nên thời gian vận chuyển bị kéo dài. “Dù hàng hóa cung ứng cho người dân với giá cả ổn định, nhưng một số mặt hàng có thể bị tăng giá từ 10 – 20% do chi phí vận chuyển phát sinh và nguồn cung sụt giảm”, vị này nói.

Cơ bản khôi phục mạng viễn thông

Thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết đã khôi phục hoàn toàn mạng lưới tại các tỉnh chịu ảnh hưởng của cơn bão Yagi, bao gồm các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng như Quảng Ninh, Hải Dương.

Trước đó, VinaPhone đã khôi phục 97% các cơ sở hạ tầng trạm di động và đảm bảo liên lạc thông suốt tại nhiều địa phương. Tuy nhiên do tình hình lũ diễn biến phức tạp nên tại Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng vẫn còn một số xã bị cô lập. Dự kiến các xã này sẽ được khắc phục mạng lưới, kết nối liên lạc trước 20-9.

Đối với dịch vụ băng thông rộng cố định, VNPT đã triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục mạng truyền tải. Tính đến hết ngày 13-9 đã khôi phục 97,4% thiết bị truy nhập trên toàn mạng. Về cơ bản các tỉnh thành đã khôi phục trên 90% số thuê bao so với thời điểm trước bão, ngoại trừ Quảng Ninh, Hải Phòng và Hải Dương. Dự kiến nhà mạng này sẽ khôi phục mạng băng thông rộng di động trước ngày 30-9.

Trong khi đó, đại diện MobiFone cho biết đã cơ bản khôi phục mạng lưới, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt tại các tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Hàng hóa dồi dào ra Bắc - Ảnh 2.Hàng hóa không lợi nhuận đến với bà con vùng bão lũ

Cùng góp tay hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả sau bão số 3 (Bão Yagi), Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã huy động một chiến dịch cứu trợ lớn nhằm cung cấp các hàng hóa thiết yếu đến người dân bị ảnh hưởng với giá bình ổn.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *