Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa gửi bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bản kiến nghị liên quan tới đổi mới giáo dục, trong đó có lựa chọn môn học và thi tốt nghiệp.
Nhiều bất hợp lý lựa chọn môn học cấp THPT
Trong những nội dung về đổi mới giáo dục phổ thông, bản kiến nghị nhấn mạnh đến những bất cập trong chọn môn học ở bậc THPT.
Văn bản nêu thực tế học sinh sau khi vào lớp 10 phải chọn môn học từ đầu cấp THPT, khẳng định hướng chuyên môn sâu cho mình ngay khi mới vào trường. Điều này dẫn tới việc nhiều học sinh chọn sai hướng nhưng số lượng học sinh muốn thay đổi việc lựa chọn lại gặp khó khăn. Cụ thể là những khó khăn do trường không có tổ hợp môn lựa chọn học sinh mong muốn, hoặc có nhưng sĩ số lớp quá đông không thể tiếp nhận thêm học sinh chuyển đổi.
Bản kiến nghị cũng nêu thực tế trái ngược với mục tiêu thiết kế chương trình giáo dục phổ thông ở cấp THPT: Học sinh không dược lựa chọn môn học theo năng lực, sở trường, định hướng nghề nghiệp mà chỉ được chọn trong các tổ hợp môn học do nhà trường sắp xếp, tùy thuộc vào tình hình giáo viên, cơ sở vật chất cụ thể của mỗi trường.
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đưa quan điểm: Học sinh chưa được hướng nghiệp đầy đủ ở cấp THCS, nhưng phải lựa chọn môn học ngay đầu cấp học mới và chỉ được chọn tổ hợp nhà trường bố trí là bất hợp lý.
Tiếp theo, học sinh phải căn cứ vào môn học đã lựa chọn để quyết định đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng cũng là đòi hỏi rất vô lý. Nhất là khi các trường đại học, cao đẳng còn chưa công bố phương thức tuyển sinh.
Thực tế cho thấy hệ quả của việc này là nguồn nhân lực đầu tư vào các môn khoa học tự nhiên sụt giảm, chất lượng các ngành khoa học cơ bản, khoa học STEM sụt giảm.
Hiệp hội kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương đánh giá toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở ba cấp học, đặc biệt là cấp THPT, và nếu “phát hiện thấy bất cập nghiêm trọng cần đưa ra các quyết định điều chỉnh ngay”.
Bên cạnh đó cần có giải pháp quyết liệt chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo thực hiện hướng nghiệp sâu từ cuối cấp học THCS và đầu cấp THPT.
Trước mắt, Hiệp hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương chỉ đạo các trường THPT rà soát lại danh sách các tổ hợp môn học lựa chọn để học sinh có nhiều cơ hội được đăng ký vào nhiều tổ hợp xét tuyển đại học. Cho học sinh được chuyển đổi môn học lựa chọn theo nhu cầu phục vụ xét tuyển các ngành học ở bậc đại học phù hợp với năng lực và sở trường của học sinh được hình thành trong quá trình học ở bậc THPT.
Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Xem lại cách ra đề thi
Bản kiến nghị chỉ ra những hạn chế của phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 đã được phê duyệt. Cụ thể, với phương thức này có tới 36 cách lựa chọn môn thi khác nhau, gây khó khăn cho công tác tổ chức thi, đặc biệt là việc ra đề thi, bảo mật đề thi. Các môn thi lựa chọn có thời gian làm bài là 50 phút, trong đó có 40% câu hỏi trắc nghiệm dạng đúng – sai khó đánh giá đúng năng lực người học.
Sự chênh lệch giữa chương trình giáo dục thường xuyên và chương trình giáo dục phổ thông 2018 là 20-30% ở các môn học. Nhưng khi thi tốt nghiệp, thí sinh thuộc hai đối tượng trên làm đề thi như nhau là chưa công bằng. Căn cứ vào đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới công bố, đề thi có một phần nội dung chuyên đề. Nhưng trên thực tế không phải học sinh nào cũng được lựa chọn và học chuyên đề.
Hiệp hội kiến nghị Nhà nước cho thành lập hoặc cho phép thành lập một số trung tâm khảo thí độc lập hoạt động theo cơ chế không vì lợi nhuận để triển khai các dịch vụ công ích trong lĩnh vực đo lường – đánh giá giáo dục.
Riêng với kỳ thi năm 2025, Hiệp hội kiến nghị xây dựng đề thi khác nhau phù hợp với đối tượng học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên và THPT, đảm bảo tính phân loại của đề thi.
Hiệp hội cũng đề nghị cho phép thí sinh chọn thêm các môn thi lựa chọn, kể cả môn học sinh không được học tại trường để đảm bảo người học phát huy khả năng tự học, có thêm cơ hội xét tuyển đại học, cao đẳng.
Hiệp hội kiến nghị các năm tiếp theo cần quy định kỳ thi là thi đánh giá năng lực, chủ yếu trên máy tính. Đề thi được rút từ các trung tâm khảo thí độc lập được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ.
Các địa phương có thể chủ động tổ chức triển khai thi nhiều lần trong năm theo khung thời gian quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Còn khi vẫn còn thi trên giấy thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo 4 tổ hợp A, B, C, D như trước đây.